Ngân hàng liên tiếp cảnh báo giao dịch lừa đảo, lừa xóa nợ xấu

25/12/2021 12:00 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Dịp cuối năm, các ngân hàng liên tiếp cảnh báo đến khách hàng về những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi của kẻ gian trong giao dịch điện tử, lừa “xóa nợ xấu CIC”.

Ngân hàng cảnh báo nhiều chiêu mới 'rút ruột' tài khoản

Ngân hàng cảnh báo nhiều chiêu mới 'rút ruột' tài khoản

Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) vừa gửi cảnh báo đến khách hàng về một số hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết hiện nay đang xuất hiện nhiều tin nhắn giả mạo thương hiệu các ngân hàng tại Việt Nam để thông báo chi tiêu ở nước ngoài, cảnh báo đổi mật khẩu, cảnh báo cập nhật dịch vụ với mục đích là để khách hàng cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã đăng nhập một lần OTP.

Nội dung tin nhắn thường đính kèm đường link giả mạo gần giống với website chính thức của ngân hàng khiến khách hàng dễ nhầm lẫn, mất cảnh giác. Khi khách hàng đăng nhập đường link giả mạo tên đăng nhập và mật khẩu, các thông tin này sẽ được chuyển đến máy chủ của hacker và được dùng để chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Chú thích ảnh
Khách hàng cần cảnh giác với những tin nhắn giả mạo

Ra thông báo tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khẳng định những tin nhắn có nội dung thông báo về những sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng không đăng ký đều là tin nhắn giả mạo, nhằm mục đích lừa khách hàng bấm vào link đính kèm tin nhắn và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Ngoài ra, vào dịp cuối năm, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán, khách hàng cũng cần nâng cao cảnh giác trước nhiều thủ đoạn lừa đảo như: mạo danh các sàn thương mại điện tử yêu cầu hỗ trợ đổi trả đơn hàng, nhận quà tặng tri ân hay mua sắm voucher... rồi yêu cầu người dùng đăng ký vào link giả mạo; mời gọi cho vay tiền online và yêu cầu đăng ký trên website giả mạo ngân hàng...

Do đó, trước các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web lạ, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân, người dùng cần hết sức cảnh giác.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin của cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…, bao gồm: số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu); thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP/Smart OTP); thông tin về tài khoản ví liên kết (tên đăng nhập/mật khẩu) để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội.

Chú thích ảnh
Lợi dụng tâm lý nôn nóng muốn xóa nợ xấu, nhiều kẻ gian sử dụng các thủ đoạn tinh vi, hứa hẹn hỗ trợ khách hàng “xóa nợ xấu CIC" để từ đó chiếm đoạt tài sản. Ảnh: VPBank

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không nhấn vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Đồng thời, cảnh báo tới những người xung quanh về hiện tượng lừa đảo trên.

Chưa dừng lại ở đó, càng gần về cuối năm, nhiều khách hàng có nhu cầu vay vốn để kinh doanh mùa Tết nên thường nôn nóng tìm cách xóa nợ xấu nhanh chóng. Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ gian sử dụng các thủ đoạn tinh vi, hứa hẹn hỗ trợ khách hàng “xóa” thông tin nợ xấu tại Thông tin Tín dụng (CIC) để được cấp tín dụng, từ đó chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Trước hiện tượng trên, CIC khẳng định không có một cơ chế nào về việc xóa nợ xấu tại CIC, không có bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào có thể thực hiện được việc này. Tất cả các thông tin của khách hàng tại CIC được cập nhật, lưu trữ trung thực, khách quan đúng theo các thông tin được các tổ chức tín dụng báo cáo. CIC hay bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin này.

Các trường hợp cần điều chỉnh dữ liệu của khách hàng (trong trường hợp có sai sót, nhầm lẫn) tại CIC đều phải tuân thủ những quy trình chặt chẽ tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định nội bộ của CIC.

Theo đó, CIC chỉ điều chỉnh dữ liệu của khách hàng khi nhận được văn bản yêu cầu từ tổ chức tín dụng (do tổng giám đốc hoặc người được ủy quyền ký); trong đó nêu rõ lý do sai sót. Ngoài ra, không có bất cứ một “cơ chế” xoá nợ xấu, điều chỉnh nhóm nợ nào khác.

Do đó, CIC và các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không tin tưởng vào những quảng cáo, chào mời, giới thiệu dịch vụ “che” nợ, “xóa” nợ xấu CIC. Cách duy nhất để không phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu CIC là thanh toán nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.

Lê Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm