15/05/2019 16:23 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Việc ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị kỷ luật, một lần nữa cho thấy Đảng ta rất kiên quyết trong việc xử lý cán bộ, dù đó là những cán bộ trẻ có triển vọng, được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch lâu dài, nhưng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sớm thỏa mãn, đã mắc những sai phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan và bản thân.
Như TTXVN đã đưa tin, ngày 14/5/2019, căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác của ông Nguyễn Bá Cảnh, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Trước đó, ngày 6/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020, cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh.
Tiếp theo, ngày 26/12/2018, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ông Nguyễn Bá Cảnh mới 36 tuổi, từng giữ chức Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, được bầu làm đại biểu HĐND Thành phố Đà Nẵng khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021) và được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng tháng 8/2017. Ông Cảnh đã sống chung với người khác như vợ chồng và có con riêng khi đang có vợ trong thời gian hôn nhân hợp pháp, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư và Quy định số 5946-QĐ/TU ngày 13/9/2012 của Thành ủy Đà Nẵng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp.
Ông Nguyễn Xuân Anh làm Bí thư Đà Nẵng từ tháng 10/2015 khi mới ở tuổi 40, hai năm liền là “Bí thư (Thành ủy, Tỉnh ủy) trẻ nhất nước”, từng có những phát ngôn rất hùng hồn làm nức lòng người dân Đà Nẵng khi mới nhậm chức. Thế nhưng, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Anh phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, bản thân ông vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Ông Tất Thành Cang từng được đánh giá là cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo bài bản và trưởng thành qua nhiều vị trí trong hệ thống chính trị từ cơ quan quản lý nhà nước đến cơ quan đảng trong Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội XI của Đảng, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khi vừa tròn 40 tuổi. Năm năm sau, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thế nhưng, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho Thành phố. Ngoài ra, trong thời gian làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong thực hiện chiến lược cán bộ nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung, Đảng ta luôn quan tâm, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ phát triển, cống hiến; xác định việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ là yêu cầu thực tế, cần thiết, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII đã đề ra mục tiêu là đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó có yêu cầu bắt buộc về tỷ lệ cán bộ trẻ: Đối với cán bộ cấp chiến lược phải có hơn 15% số cán bộ dưới 45 tuổi; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương có 20-25% số cán bộ dưới 40 tuổi; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương có 15-20% cán bộ dưới 40 tuổi, từ 20-25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi…
Tuy nhiên trong thực tế, không ít cán bộ lãnh đạo trẻ, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để cống hiến, trưởng thành, nhưng vì thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng khi nắm quyền lực trong tay. Và những vụ kỷ luật đối với các ông Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang và Nguyễn Bá Cảnh... là những bài học kinh nghiệm "đắt giá".
Vậy làm thế nào để những cán bộ trẻ - những “hạt giống” đang trong quá trình ươm tạo, tránh đi vào "vết xe đổ", tránh vấp phải những sai lầm đáng tiếc như trong các vụ việc trên.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 Khóa XII vào chiều 26/12/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Từng đồng chí Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, trong đó có các cán bộ, đảng viên trẻ “cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn”.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện sai trái của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ; tăng cường đấu tranh phê bình và tự phê bình, thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời, chân thành góp ý, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, giúp họ nhận ra lỗi lầm để sửa chữa, tiếp tục rèn luyện.
Điều quan trọng nữa là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách có hiệu quả, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo trẻ còn ít cọ xát với thực tế, chưa đủ sức đề kháng, miễn nhiễm trước cám dỗ của danh vọng, quyền lực và vật chất. Tại Hội nghị lần thứ 7 (7-12/5/2018), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết xác định năm quan điểm và bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ, giải pháp về “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ”...
Để những "hạt giống đỏ" tiếp tục nảy nở, đơm hoa kết trái, để những cán bộ lãnh đạo trẻ không ngừng rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, thì điều hết sức quan trọng là phải thấm nhuần và thực hiện năm quan điểm chỉ đạo về công tác cán bộ được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW. Trong đó, mục thứ tư nhấn mạnh: Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể.
Trần Quang Vinh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất