(TT&VH Cuối tuần) - Năm 2005, ba già làng kể khan Tây Nguyên được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian, đều ở Kon Tum: cụ Apek (sinh năm 1927), cụ AAr (sinh năm 1935) và Alưu (sinh năm 1943). Chúng tôi quyết định đi tìm cả ba với mong manh hy vọng được dự một đêm kể khan…
Alưu ở làng Kon Klor 2, xã Đăk Rơwa, cái xã mà hơn 10 năm trước nhà văn Nguyên Ngọc đã được nghe già làng kể khan Đăm Noi. Đăk Rơwa nằm ngay cạnh thị xã Kon Tum, cách đúng một con sông Đăk Bla, nơi có cây cầu treo mỏng manh như một nét vẽ mà ai đã một lần đến Kon Tum đều không muốn bỏ qua cơ hội được chụp hình với nó và từ đây ngắm hoàng hôn buông xuống theo tiếng kẽo kẹt của bánh những chiếc xe bò đôi (đặc biệt xe bò ở Kon Tum là xe bò đôi, có khi bốn, thậm chí sáu con bò cùng kéo, nhưng tuyệt nhiên không là số lẻ!).
Dốc vào làng Kon Klor của Alưu cao quá nên chúng tôi quyết định bỏ xe lại, và cuốc bộ. Thực ra cũng chẳng phải cuốc bộ gì nhiều. Làng chạy men sông và nhà thì men hai bên con đường đất đỏ được che mát bởi những tán cây rợp - không có những tán cây này, ban ngày, đặc biệt vào mùa khô ở Kon Tum chắc là “kinh khủng” lắm vì nắng và nóng. Cũng vì khí hậu nghiệt ngã này mà người Tây Nguyên quý cây kơnia, cái cây nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc qua bài thơ của Ngọc Anh (Bóng cây kơnia) dù ít ai trông thấy nó một lần. Chính từ con dốc vào làng Kon Klor, chúng tôi được thấy một cây kơnia lẻ loi trên sườn rẫy xa. Tìm được cây kơnia ở Tây Nguyên bây giờ cũng khó như tìm... nghệ nhân dân gian. Cây kơnia không có gì quý, hoa trái không quý, gỗ thường, nhưng bóng mát của vòm lá thì không loài cây nào sánh được. Ở đồng bằng, người ta dựng những cái quán giữa đồng làm chốn nghỉ giữa trưa nắng của ngày làm đồng. Còn trên Tây Nguyên, người làm nương, rẫy, đi tìm bóng cây kơnia để tránh nắng. Nhưng bây giờ có lẽ người ta cần đất, cần củi hơn là cần tán cây che nắng, nên cây kơnia bị đốn bỏ không thương tiếc trên mảnh đất mà nó đã bám rễ thật sâu, đến độ người ta nghĩ rằng rễ nó đã uống được cả nước nguồn miền Bắc...
Cũng giống như cây kơnia, những mái nhà sàn quen thuộc từ ngàn đời ở làng Kon Klor cũng đang dần biến mất, thay thế là nhà mái bằng. Nhà của Alưu cũng vậy. Nhà mái bằng được xây thô sơ, tất nhiên không biết tới những vật liệu chống nóng, và với “tổng kinh phí” vài chục triệu, nó giống cái hộp gạch - bê tông hơn. Nhà chật, tối và nóng nữa, nên cuối cùng Alưu quyết định trải chiếu ra vườn tiếp khách! Không có nhà rông, không ché rượu cần, không bếp lửa, Alưu đành “kể khan chay” một đoạn cho chúng tôi nghe.
Là con của Y Ngao, người phụ nữ hát kể sử thi nổi tiếng một thời Tây Nguyên, Alưu có lẽ đã ngấm sử thi khi còn trong bụng mẹ. “Cho tới nay chúng tôi chưa phát hiện thêm nghệ nhân nào có khả năng hát kể sử thi nhiều như ông” - TS-PGS Võ Quang Trọng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tham gia dự án đồ sộ Điều tra, sưu tầm, bảo quản và biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên do Viện Khoa học Xã hội thực hiện, khẳng định.
Alưu có thể nhớ và hát kể hơn 100 sử thi Bana, mà độ dài của mỗi sử thi, như chúng ta đã biết, có thể kể vài đêm mới hết! Toàn bộ “file sử thi” của Alưu đã được ghi âm và xuất bản trong bộ sách Sử thi Bana (NXB Khoa học Xã hội - 2007). Ngôi nhà xây này được hoàn thành chính bởi tiền nghệ nhân được trả cho “công” thu âm hơn 100 sử thi (theo Alưu nhớ thì khoảng 100.000 đồng/băng). Và băng ghi xong thì “sự nghiệp hát kể sử thi” của Alưu cũng dần khép lại. Ông bảo năm 2002 vẫn còn đi kể nhưng ít rồi. Năm 2005 và 2006 mỗi năm đi kể chỉ đúng một lần và từ đó tới nay thì không ai mời đi kể nữa (nhân đây phải mở ngoặc nói thêm, khan, hay sử thi Tây Nguyên thường được kể trong những dịp cưới xin, ma chay, hoặc một dịp lễ trọng của làng). “Nếu có mời cũng không đi nữa, mệt rồi” - ông bảo. Sinh năm 1943, “trẻ” nhất trong các nghệ nhân hát kể sử thi được phong tặng danh hiệu, nhưng Alưu hom hem hơn tuổi. Ông ngồi hát một đoạn cho chúng tôi nghe, giữa chừng ngưng lại, thở, rồi giải thích: Đấy, mệt rồi, chỉ hát được như vậy thôi!
Và đấy cũng là những phút ngắn ngủi duy nhất chúng tôi được nghe một nghệ nhân Tây Nguyên hát kể sử thi Tây Nguyên trong cả chuyến đi này. Vì sau khi rời làng Kon Klor, chúng tôi tới làng Kon Gu (thuộc xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) để gặp nghệ nhân AAr, người lưu giữ những sử thi hiếm hoi của dân tộc Sê Đăng, thì cụ AAr đã chẳng còn đủ hơi để hát được một câu nào ! Nói những sử thi Sê Đăng mà cụ AAr còn nhớ thuộc loại hiếm hoi vì trong suốt thời gian dài các nhà nghiên cứu nghĩ rằng dân tộc này không có sử thi, cho tới khi họ đi điền dã mới phát hiện ra...
Nghệ nhân AAr
Cũng giống Alưu, nhờ có tiền thu âm sử thi (khoảng 60-70 triệu đồng), cụ AAr đã chuyển từ ngôi nhà sàn truyền thống đến ở một ngôi nhà mái bằng mới xây gần đó. Từ nhà cụ có thể nghe rất rõ tiếng hát karaoke của đám thanh niên làng. Nhưng cụ thì đã lâu không còn hát kể sử thi, có lẽ cũng không còn cơ hội nào nữa. Cụ AAr cũng đã bắt đầu lẫn... Còn anh chàng A Nhuk, xã đội phó xã Ngọc Wang, đẹp trai như một tài tử xi-nê, người chúng tôi nhờ làm phiên dịch, thì nhe răng cười lắc đầu khi chúng tôi hỏi anh đã bao giờ nghe hát kể sử thi chưa.
Cụ Apek thì chúng tôi không gặp được, dù đã mò mẫm mấy tiếng đồng hồ để về được làng Đakwơt, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, cụ đi làm rẫy vắng (cụ Apek sinh năm 1927, cần giải thích rõ thêm, ngay cả cụ AAr, sinh năm 1935, nói là không còn hơi hát kể sử thi nhưng vẫn đi làm rẫy như thường, có nghĩa là sức để hát kể sử thi còn kinh hơn sức làm rẫy nhiều). Nhưng chúng tôi gặp AThút, con trai cụ, một nghệ sĩ trình diễn văn hóa truyền thống Tây Nguyên nổi tiếng, từng đi khắp trong ngoài nước, sang cả Mỹ để giới thiệu văn hóa Tây Nguyên. Athút còn trẻ, khỏe và năng động. Anh có thể biểu diễn nhạc cụ, hát và hát kể sử thi luôn một cách chuyên nghiệp ở bất cứ không gian nào cho truyền hình quay thoải mái. Nhưng nếu là một đêm kể khan trên nhà sàn, một đêm cồng chiêng bên nhà sàn, xung quanh bếp lửa... thì đó chỉ là trong những áng văn thôi!
Khác xa với Đăk Rơwa của Alưu, cũng chẳng giống Ngọc Wang của AAr, xã Hơ moong thuộc diện tái định cư để xây dựng nhà máy thủy điện, bên thủy điện xây trả nhà cho dân, xây trả cả nhà rông cột bê tông mái tôn. Trông làng vừa khang trang lại vừa... tan hoang thế nào vì nó quy hoạch theo kiểu người Kinh dưới phố, nhà ngang đường dọc, nhiều mái tôn ít cây xanh. Ngôi nhà rông kiểu mới của làng nằm lẻ loi ở khu đất trống, sàn bê tông đóng bụi và những nét vẽ “đương đại” nguệch ngoạc, chắc chắn đã lâu lắm không là nơi lui tới của dân làng và những sinh hoạt cộng đồng truyền thống. AThút giải thích: Phải vậy thôi, rừng bây giờ không còn tranh nữa, nhà rông phải lợp tôn thôi, các gia đình bây giờ ai cũng lo làm ăn, tập hợp họ lại khó lắm...
Từ năm 2001 đến 2007, với tổng kinh phí lên tới gần 18 tỷ đồng, Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên đã được Chính phủ giao cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tiến hành nhằm nhanh chóng văn bản hóa những sử thi đang có nguy cơ thất truyền. Nghe nói khối lượng sưu tầm được vô cùng đồ sộ, đã xuất bản 75 tác phẩm sử thi được in trong 62 tập, mỗi tập khoảng 1.000 trang, trong các năm 2009-2011 sẽ tiếp tục xuất bản 25 tác phẩm sử thi Tây Nguyên nữa (theo GS, TS Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Giám đốc điều hành Dự án nói trên). Thôi thì bỏ qua những nghi ngờ về độ chính xác của số lượng các khan do các nghệ nhân nhớ mà kể lại (có nghi ngờ rằng nhiều nghệ nhân đã tự kéo dài thêm các sử thi để “đếm băng tính tiền”!), đây thật sự là một công trình “bảo tàng” rất ý nghĩa những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng giàu có của các dân tộc Tây Nguyên, hiện đang được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại. Nhưng đời sống thực sự của nó thì đã và đang chết, như chàng Đam San cuối cùng cũng phải chết trong đầm lầy!
Người dân Tây Nguyên có còn muốn nghe kể khan?
Trong cuốn sách Nghệ nhân dân gian Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội, 2007), ở trang giới thiệu về nghệ nhân AAr, tôi đọc được những dòng như sau: “Hiện nay nghệ nhân đang tích cực truyền dạy sử thi cho con em trong làng Kon Gu và các làng khác trong xã Ngọc Wang”. Vâng, hai năm trước, khi chưa tới được Kon Gu, nơi những chàng thanh niên như A Nhuk chỉ hát karaoke chứ chẳng biết sử thi là gì, nơi AAr yếu đến nỗi chẳng còn sức hát được một câu, tôi đã khấp khởi biết bao. Và giờ đây, tất nhiên tôi hiểu đôi khi cuộc đời thật khác xa với những gì người ta viết về nó.
“Chú Ngọc ạ, những đêm kể khan đã “chết lâm sàng” rồi, nó chỉ sống như cái xác thiếu hồn trên các trang giấy” - tôi nói với nhà văn Nguyên Ngọc. Ông nheo mắt, vẫn một nụ cười của một người dường như đã quen và đã đi qua nhẹ nhàng tất cả những điều ngang trái, có lẽ ông có một câu trả lời khác.
Phạm Thị Thu Thủy
Ảnh: Trần Công Minh