30/04/2009 16:11 GMT+7 | Phóng sự
Trở lại với chuyện Ker Tik, dù nổi tiếng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam như vậy (ngoài Huế, ông còn được mời về TP.HCM trình diễn một lần tại Lễ hội Văn hóa các Dân tộc Việt Nam) nhưng ông chỉ là “nghệ sĩ điêu khắc” duy nhất của làng K’Non 2. Các làng Cơ Tu khác ở Tây Giang, Đông Giang (cư trú dọc theo biên giới Việt - Lào) đều dựng những ngôi nhà gươl của mình nhưng người được phép dựng nhà gươl và trang trí cho nhà gươl của làng duy nhất phải là người của làng - đó là một luật lệ của người Cơ Tu.
Đối với người Cơ Tu, nhà gươl không đơn thuần là một ngôi nhà chung của làng, nó là trái tim, là linh hồn của làng, là một thế giới linh thiêng, tất cả các buôn làng người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà gươl. Chị Phan Thị Xuân Bốn, giảng viên Văn hóa học, khoa Văn hóa du lịch, ĐH Quảng Nam, người đã sống 27 năm gắn bó với người Cơ Tu, cho chúng tôi hay, người Cơ Tu có thể làm nhà bằng gỗ tạp để ở, chấp nhận lợp nhà mái tôn (vì rừng tranh ngày càng hiếm), nhưng vẫn tập trung hàng trăm tấn gỗ để làm nhà gươl và có thể mất hàng năm trời vẫn phân công nhau kiếm đủ cỏ tranh về lợp mái nhà gươl. Đó là nơi hội đồng già làng họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới, Lễ ăn thề kết nghĩa anh em, Lễ ăn mừng được mùa... Đó là nơi dành cho những thanh niên Cơ Tu chưa vợ, những người đàn ông góa vợ hàng đêm đến ngủ. Ở đó già làng dạy họ cách săn bắn, làm rẫy và cả cách... tán gái. Đó là nơi cư ngụ của thần linh, tổ tiên và ông bà...
Sự linh thiêng của nhà gươl đối với người Cơ Tu cũng giống như nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Ba Na, Xê Đăng, với nét độc đáo trong kiến trúc là cây cột cái ở giữa nhà luôn có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu được xem như biểu tượng trung tâm của làng (độ to, nhỏ của cột cái này cho biết uy quyền và sức mạnh của làng). Vách nhà gươl được điêu khắc, chạm trổ hình ảnh của các con vật gắn bó với người Cơ Tu như: trâu, tắc kè, trăng, kỳ đà, thằn lằn... và cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng... Nhà gươl được xem là “bảo tàng mỹ thuật” của người Cơ Tu... Và vì là linh hồn của làng, nên nhà gươl của làng này phải do đích thân người dân của làng ấy dựng nên. Ker Tik dù có nổi tiếng đến mấy cũng chỉ làm cho nhà gươl làng ông, và những làng Cơ Tu khác lại có những Ker Tik của họ.
Người Cơ Tu ở Quảng Nam có không ít những bàn tay tài hoa như Ker Tik. Đến Quảng Nam, chúng tôi được nghe kể về Bhiriu Pố, một “cao thủ cô đơn trên đỉnh A Dương”, nghệ nhân điêu khắc dân gian nổi tiếng ở xã Lăng, cũng thuộc Tây Giang. Có bằng đại học, đến khi thôn Arâh của Bhiriu Pố dựng nhà gươl thì ông mới “ra tay xuất thần” tới hàng trăm tác phẩm. Bên cạnh những hình ảnh sinh hoạt truyền thống và các con vật linh thiêng của người Cơ Tu như thuồng luồng, chim kơlang..., điêu khắc của Bhiriu Pố khá “hiện đại” với nhiều hình ảnh của đời sống miền xuôi, nơi ông đã từng có thời gian gắn bó (điều này khiến một số người Cơ Tu không thích điêu khắc của Bhiriu Pố vì nó không thuần Cơ Tu lắm). Cũng như Ker Tik, tác phẩm của Bhiriu Pố thuộc về làng, không triển lãm hay mua bán.
Phong trào khôi phục và bảo tồn nhà gươl ở huyện Tây Giang bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 1990, trước khi có chủ trương đúng đắn của tỉnh Quảng Nam khôi phục nhà làng truyền thống, được các già làng, trưởng thôn và bà con dân làng đồng tình ủng hộ. Việc khôi phục lại nhà gươl đồng nghĩa với việc khôi phục lại và tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Cơ Tu trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đi dọc Trường Sơn những ngày cuối tháng Ba, nhìn bóng dáng những nhà gươl vươn cao giữa ráng chiều đầy kiêu hãnh, thấy thật ấm lòng, như có một ngọn lửa đang nhen trở lại giữa bếp tro tàn.
Phạm Thị Thu Thủy
Ảnh Trần Công Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất