Bái biệt nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn: Từ triết lý số học đến giải nghĩa thi ca

22/04/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Tiến Văn (10/3/1939 - 20/4/2025) đã chọn một lối sống và cách làm việc rất riêng trên con đường đến với sách vở, học thuật. Ngoài hàng trăm bài viết nghiên cứu về số học, ngôn ngữ, dân ca, thi ca, tâm linh… ông còn là dịch giả của khoảng 100 đầu sách từ tiếng Anh, Pháp, Trung…

Nguyễn Tiến Văn có tên trong giấy tờ là Nguyễn Hồng Long, họ gốc là Phạm, quê ở tỉnh Hải Dương. Năm 1945, gia đình chuyển qua Nam Định, Thái Bình… trước khi lên Hà Nội định cư năm 1947, nhà ở phố Hàng Da. Tuổi nhỏ ông thường đi ra rạp Lửa Hồng ở phố Hàng Trống (nay là UBND Hoàn Kiếm) để xem phim và tìm mua sách vở tiếng Pháp. Tình yêu đối với sách của ông có lẽ bắt đầu từ đó, để sau này trở thành nhà nghiên cứu, dịch giả nổi tiếng… Sau một thời gian định cư ở Canada, năm 2005, ông quay về sống ở Việt Nam cho đến ngày qua đời.

Mê say tiếng Việt

Nếu ai đã từng đọc chuyên khảo Thế chân vạc của ngôn ngữ văn tự Việt (1969) của Đào Mộng Nam và Nguyễn Tiến Văn, họ có lẽ sẽ rất ấn tượng với cách truy vấn nguồn gốc, triết lý và đặc tính của tiếng Việt trong quan hệ với tiếng bản địa (như Mường), với chữ Hán (chữ Nho) và chữ ABC (quốc ngữ). Một trong những điểm tài tình và lý thú là 2 tác giả đã đặt tiếng Việt trong thế bình đẳng, không tự tôn và cũng không tự ti, để qua đó nhận chân giá trị và triết lý cốt lõi của tự tình dân tộc.

Bái biệt nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn: Từ triết lý số học đến giải nghĩa thi ca - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn

Vì yêu tiếng Việt, nên Nguyễn Tiến Văn đã dành gần như cả cuộc đời để nghiền ngẫm ca dao và đọc thơ, phân tích Truyện Kiều… Những chú giải, cắt nghĩa của ông về các câu ca dao xưa đã giúp mở ra được góc nhìn rộng rãi và sâu sắc của tiền nhân. Những câu tưởng đơn giản như "Cái cò mà đi ăn đêm", như "Không chồng mà chửa mới ngoan", như "Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân", như "Thương người như thể thương thân"… đều được chú giải, cắt nghĩa dưới ánh sáng triết lý của người Việt Nam, rất thuyết phục, rất sâu sắc.

Ngay như với bài thơ Tình già của Phan Khôi - được xem là mở ra cả phong trào Thơ Mới cho Việt Nam - thì ngay câu đầu tiên "Hai mươi bốn năm xưa/ một đêm vừa gió lại vừa mưa" cũng không phải dễ hiểu. Vì sao là 24 năm xưa? Con số này quan hệ ra sao với lịch sử ngôn ngữ và vì sao là tình già mà không phải tình non hoặc tình trẻ?

Cũng như khi bàn về tính sáng tạo của người Việt Nam, Nguyễn Tiến Văn trích mấy câu trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều: "Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán/ Chết đuối người trên cạn mà chơi/ Cái quay búng sẵn trên trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm".

Ngay cả trò bói Kiều mà Nguyễn Tiến Văn rất yêu thích, ông cũng không dừng lại ở việc bình đúng/sai theo kiểu mê tín, mà đi sâu vào triết lý của Truyện Kiều. Ông xem việc này như là cách quảng bá hữu hiệu, vì người được bói, nếu thấy có lý, sẽ thuộc thơ và ngẫm ngợi dài lâu.

"Dịch là cách đọc sách kỹ lưỡng hơn"

Đây là quan điểm của Nguyễn Tiến Văn. Ông mê đọc sách hơn mọi thứ trong cuộc sống, mê đến cực đoan, đây là điều nổi tiếng trong học giới. Ông có tốc độ đọc nhanh, sự ghi nhớ chuẩn xác đến kinh ngạc, thời chưa có Google, ông được xem là bộ bách khoa thư di động.

Bái biệt nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn: Từ triết lý số học đến giải nghĩa thi ca - Ảnh 2.

Một số tác phẩm dịch của Nguyễn Tiến Văn

Năm 2005, khi từ Canada về Việt Nam, sau mấy chục năm xa xứ, ông đã chuyển hơn 18 ngàn cuốn sách về tặng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

 Ngày 15/3/2021, thấy sức khỏe suy yếu, ông lại tặng cho Thư viện Huệ Quang (TP.HCM) gần 5 ngàn cuốn sách. "Mình trao mà có nơi nhận, đã là mừng, còn họ nhận về làm gì, đó là quyền của họ" - Nguyễn Tiến Văn nói.

Có thời kỳ, trước nhà Nguyễn Tiến Văn có ghi tấm biển: Nhận dạy Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hán văn. Vì quá mê sách, Nguyễn Tiến Văn tự học nhiều ngôn ngữ để đọc cho thoải mái. "Vì muốn rủ nhiều người cùng đọc sách nên mới treo bảng nhận dạy ngoại ngữ, chứ tôi đâu phải thầy giáo" - ông nói.

Học ngoại ngữ, để nhớ lâu và đỡ mất thời gian, ông chọn dịch, ban đầu là các bài ngắn, sau là các sách, rồi đến kinh thư và thi ca. Ấn tượng lớn đầu tiên về dịch thuật có lẽ là bản dịch Lũ người quỷ ám của Dostoyevsky, ký tên Nguyễn Ngọc Minh, phát hành năm 1973, sau này tái bản nhiều lần.

Trong gần 100 đầu sách đã dịch, chủ yếu về số học, triết lý, văn học, tôn giáo, thì Nguyễn Tiến Văn đứng tên chừng hơn 50 cuốn, phần còn lại là dịch giúp để người khác nghiên cứu, học tập. Với Nguyễn Tiến Văn thì đứng tên cũng không quan trọng bằng việc độc giả Việt Nam có thêm nhiều bản dịch để đọc và tiến bộ.

Các bản dịch gần đây có thể kể là Nguồn gốc của ngoại tộc của Toni Morrison, Quyền năng linh thánh của Swami Kripananda, Tâm lý người An Nam của Paul Giran, Đời Tổng giám mục Puginier  của Louis-Eugène Louvet, Minh triết của sự bền vững của Sulak Sivalaksa…

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm