21/06/2017 07:03 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1970 tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật, tôi được phân công về báo "Việt Nam Độc lập" của Khu tự trị Việt Bắc làm hai việc: trình bày và sửa mo-rát.
Đây cũng là nơi năm 1966, Phó Tổng biên tập đến nhà tôi xin tuyển về báo để đào tạo phóng viên. Lúc ấy tôi có bằng lớp 10. Bằng lớp 10 lúc đó rất cao quý, vì lúc đó số học sinh có bằng đó ít lắm. Năm 1964, lớp cấp 3 duy nhất của huyện Đại từ (Thái Nguyên) thi tốt nghiệp chỉ đỗ chính thức 12 người và một người đỗ vớt.
Công việc ở báo như sau: trình bày xong, đem ma-két cùng bài vở xuống nhà in, thợ sắp chữ bắt đầu làm việc và tôi nằm chờ sửa bông. Sau 2 lần sửa nhíp thì bông 2 tôi phải đọc, đọc xong ký bông cho lên khuôn máy chạy thử. Sau đấy lại đọc toàn bộ 8 trang báo, ký bông chính thức, máy mới được chạy.
Chỉ là cán bộ nhỏ nhất cơ quan, không chức vụ gì nhưng chữ ký của tôi lại rất quan trọng!
Thời chiến bom đạn, nhà in hết ở ga Đồng Quang, lại dạt lên Phú Lương ở rừng. Chiến tranh làm báo khổ nghìn lần so với ngày nay. Tuần 2 số mà trình bày sửa bông nối nhau, đầu tắt mặt tối, lúc nào cũng căng như người lính trận.
Thời ấy có phong trào “giỏi một việc, biết nhiều việc”, ông Phó tổng vẫn nhăm nhe đào tạo tôi thành phóng viên. Có lẽ tại ông biết tôi có cái bằng tốt nghiệp phổ thông chính quy. Một số phóng viên của báo lúc đó toàn văn hóa dở dang rồi đi ngang viết lách.
Thế là có một lần tôi được cử đi viết bài. Lần ấy là bài điều tra “Thành công của nghị quyết 91 đảng bộ tỉnh, chặt đuôi tư hữu”.
Vân Hữu là một làng bên sông Cầu. Ven sông có những doi cát ngậm phù sa. Ngoài lao động lấy công điểm cho hợp tác xã, lúc rỗi rãi việc thì người già, trẻ con cùng lao động chính ra thu vén những doi đất nhỏ, xếp đá làm bờ. Chỗ có nước thì đắp đất cắm riêng mấy gốc mạ, chỗ cao thì trồng mía kéo mật làm đường phên. Tưởng nhỏ mà tích gió thành bão, chỉ mấy năm đường phên ở chợ từ giá 2,5 đồng xuống còn 1,2 đồng 1 cân, giảm xuống một nửa. Giữa khi người dân đang vui thì không biết ai “tâu hớt” mà Đảng bộ tỉnh họp và ra nghị quyết thu hồi những đất đai dân khai phá, không được trồng tiếp nữa. Lý do là chặt triệt để cái đuôi tư hữu mới phát sinh. Nếu để thì còn ai nghĩ đến hợp tác xã nữa, nó sẽ "phá" chủ nghĩa xã hội.
Tôi phải đi viết bài điều tra vụ này. Khi đủ số liệu trao đổi với ông Phó tổng, tôi cho rằng nghị quyết 91 này có vấn đề không ổn. Đất thu hồi để cỏ mọc mà không nhập vào đất hợp tác xã được vì nó tủn mủn lại không có trong bản đồ địa chính. Nay đất trở về hoang thì đường phên giá trở lại 2,5 đồng 1 cân. Nếu viết, tôi không thể nói đó là thắng lợi của nghị quyết 91 của tỉnh đảng bộ được vì nó làm cho đời sống khó khăn hơn. Khó khăn nhưng chặt đuôi tư hữu là cần thiết. Ông Phó tổng bảo, thế cậu nói là nghị quyết sai à? Đừng đưa cảm xúc nghệ sĩ vào công việc… Tôi bảo không dám nói là sai nhưng có gì đó không ổn.
Cuối cùng tôi không thể viết bài theo hướng thắng lợi của nghị quyết.
Dù chỉ là giao việc tay trái, nhưng không hoàn thành bài, kế hoạch bị vỡ, tôi có khuyết điểm không chối vào đâu được. Cuối cùng bị phạt: mất lên lương năm ấy dù đến kỳ tăng lương.
Khu tự trị giải thể, mỗi người một nơi. Mấy chục năm sau gặp lại, kể lại chuyện xưa, lúc này cụ Phó tổng đã già, ông cười trong tiếng thở dài: Cái thời ấy nó thế cậu ạ. Câu nói nửa thanh minh, nửa đổ thừa cho thời thế mà cái sai ở đâu ra thì đã rõ cả.
Một kỷ niệm buồn. Sau chuyện ấy, tôi chỉ còn tập trung vào trình bày và sửa mo-rát, hoặc đôi khi vẽ trang tranh truyện cho số cuối tuần. Mơ ước thành nhà báo chấm dứt…
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất