(TT&VH Cuối tuần) - Chuyến đi bắt đầu từ ý tưởng rất văn chương về một “tháng ba Tây Nguyên”, từ một hình dung Tây Nguyên lãng mạn với phố núi mờ sương, với em Pleiku má đỏ môi hồng, với những nhà rông dài như tiếng chiêng, những điêu khắc nhà mồ kỳ ảo, vùng đất của những không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận bảo vệ là một Di sản văn hóa thế giới, của những bản sử thi kể ngày này qua tháng khác không hết. Để rồi xuyên suốt chuyến đi ấy là sự hoang mang như giữa đại ngàn không thấy đường ra...
Năm 2007, báo Tuổi trẻ Cuối tuần đã có bài viết về ông, Ker Tik, người được mệnh danh là “lão nghệ nhân C’tu tài hoa nhất”, người “nắm giữ những tinh hoa về hội họa, điêu khắc, trang trí và một số môn nghệ thuật truyền thống khác của người C’tu” và “là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn lại giữa đại ngàn Trường Sơn”.
Đi tìm Ker Tik
Chúng tôi về đại ngàn Trường Sơn tìm Ker Tik một ngày cuối tháng ba. Năm nay mùa mưa đến sớm với Tây Nguyên. Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước, mùa em đi trỉa rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy gài chông... nhưng mưa đã sầm sập đổ về, khiến con đường vào một số làng vùng sâu của người C’tu (tỉnh Quảng Nam) trở thành bãi chiến trường của sình lầy, dìm chết cả những “con” Land Cruiser mạnh mẽ.
Với hy vọng có thể vào thôn K’Non 2, xã Axan, quê hương của Ker Tik trước khi cơn mưa đổ xuống vào mỗi buổi chiều (mưa trộn với bùn sẽ chặn đứt đường ra, vào làng), chúng tôi cố gắng bắt chuyến xe đầu tiên từ Đà Nẵng đi huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng phải hơn một giờ đồng hồ đi vòng vo tam quốc tìm thêm khách, chiếc xe 16 chỗ trống một nửa, mới long tong xuất phát. Rất hiếm khách đi tuyến Đông Giang - Tây Giang, hai huyện miền núi (vốn trước đây rất quen thuộc với cái tên huyện Hiên, mới tách làm hai huyện là Đông Giang và Tây Giang được 5 năm) của tỉnh Quảng Nam, nhất là Tây Giang, huyện vùng sâu giáp biên giới Việt Lào. Vắng quá, nên đến Đông Giang, nhà xe quyết định “bán” chúng tôi sang một xe khác. Và sau gần hai giờ đồng hồ vặn lắc trên chiếc xe đã quá hạn đăng kiểm hơn một tháng (vật chứng rành rành là chiếc tem kiểm định dán ngay kính trước xe), chúng tôi cũng tới được thị trấn Tây Giang heo hút.
Ngay trước UBND huyện được xây dựng rất “hoành tráng”, trên ngọn đồi cao nhìn xuống trung tâm thị trấn huyện là một quần thể nhà truyền thống của dân tộc C’tu tuyệt đẹp với trung tâm là ngôi nhà gươl sừng sững. Có điều rất bất ngờ ở ngôi nhà gươl này khi chúng tôi quay lại, xin được kể ở đoạn sau, bởi vì, ngay lúc ấy, chúng tôi phải vội vã bám theo chiếc xe U-oát, loại xe gần như duy nhất có thể vượt rừng đến K’Non.
Đó có lẽ là một trong những chuyến xuyên rừng nhớ đời của chúng tôi. Con đường mới mở từ năm 2006 xuyên giữa rừng đại ngàn, mới chỉ trải nhựa được 1/3 độ dài, còn lại là đất đỏ, gặp mưa là thành bùn nhão hoặc đặc quánh, lại bị khoét bởi những lốp bánh xe tải - xe chở gạo, mùng mền của hội Chữ thập đỏ vào cho đồng bào. Nghe nói, cách đây mấy năm, Phó Chủ tịch nước khi ấy, bà Trương Mỹ Hoa, có chuyến công tác qua đoạn đường này, đã phải kêu lên: Đây có lẽ là con đường xấu nhất Việt Nam! Có đoạn, để an toàn, chúng tôi phải xuống xe lội bộ, và chứng kiến cảnh chiếc xe tải to tướng quay ngang, ngập lút bánh xe trong vũng lầy. Nhưng có lẽ cũng vì khó khăn vậy mới vào được Axan nên rừng ở đây còn nguyên sơ lắm, tầng tầng lớp lớp sâu thẳm, tiếng chim “bắt cô trói cột” nghe rõ mồn một, buồn não nùng.
Thôn người C’tu, một trong những tộc người lâu đời nhất sống với rừng Trường Sơn phía Tây tỉnh Quảng Nam, ở sâu trong rừng như tiếng chim “bắt cô trói cột”, đơn độc nhưng mạnh mẽ. Xã Axan có 8 thôn, Ker Tik ở thôn K’non 2. Gần tới nơi, cán bộ xã, người C’tu, đi cùng xe, giọng tỉnh bơ: Không biết Ker Tik có nhà không, có khi đi làm rẫy. Rẫy xa không? Khi nào về? Vẫn tỉnh bơ: Không biết, chắc chiều về. Có khi làm rẫy xa, vài ngày mới về (!!!).
Ker Tik đi vắng thật. Nhưng may quá, hôm nay ông không đi làm rẫy mà đi sửa máy (máy phát điện gia đình, đặt ở dưới con suối đầu thôn, dùng sức nước để chạy tua bin. Thôn K’non 2 toàn dùng điện tự chế như vậy). Trong lúc đợi người đi gọi Ker Tik, tôi tò mò tìm kiếm dấu vết bàn tay điêu khắc tài hoa như lời đồn đại trong ngôi nhà sàn của ông và trong thôn K’non 2 bé nhỏ chỉ có 25 hộ, nơi trẻ con vẫn hồn nhiên trần truồng chạy loăng quăng cùng với bầy lợn con và dê con. Nhưng tuyệt nhiên không. Ngôi nhà của người C’tu cất bằng gỗ khá giản dị, không chạm khắc. Nghệ thuật chạm khắc theo truyền thống của người C’tu chỉ tập trung ở nhà gươl, linh hồn của làng và ở khu nhà mồ.
Ker Tik
Thôn K’non 2 của Ker Tik năm 2009 này đã nhiều phần không còn giống những thôn làng C’tu trong quá khứ. Mái nhà sàn xưa lợp cỏ tranh, nay 100% đã thay bằng tôn, cảm giác khá “vênh váo”. “Quy hoạch” theo hình oval của làng - với trung tâm là nhà gươl, nay cũng đã biến dạng, nhà đã biết “chạy theo đường” theo kiểu người Kinh. Duy có nhà gươl thì ít nhiều không thay đổi. Nó là ngôi nhà duy nhất trong làng lợp mái bằng cỏ tranh, và được làm hoàn toàn bằng gỗ. Ở đó, chúng tôi thật sự kinh ngạc trước những “tác phẩm” của Ker Tik.
Tác phẩm điêu khắc của Ker Tik
Trái ngược với vẻ đơn sơ của những ngôi nhà ở, nhà gươl của thôn K’non 2 lại quá hào phóng đến ngồn ngộn các điêu khắc. Trên các tấm ván thưng mặt trước và mặt sau là các bức phù điêu khắc họa chân phương và sinh động những cảnh trong lễ hội và sinh hoạt ngày thường của người C’tu: giã gạo, uống rượu, săn bắt, nhảy múa, đâm trâu... Trên cột nhà và các vách nhà, bên cạnh các phù điêu cảnh sinh hoạt, các con vật linh thiêng gắn bó với người C’tu, còn nhiều bức tượng người C’tu kích thước lớn như người thật. Lối vào nhà gươl phía trước và phía sau được cách điệu tuyệt đẹp bằng điêu khắc trâu, trâu đực - cửa trước, trâu cái (có chửa) - cửa sau. Cũng như những tác phẩm điêu khắc dân gian của Tây Nguyên nói chung, các điêu khắc ở nhà gươl đều được thực hiện chỉ bằng dụng cụ duy nhất là rìu, tạo hình rất gần với ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, mà không hề mất đi những chi tiết tinh tế, tinh xảo.
Những tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Ker Tik đẹp mộc mạc
nhưng không kém phần tinh xảo
Được đẽo nguyên từ khối gỗ, điêu khắc trâu của nhà gươl K’non 2, tác phẩm của Ker Tik thực sự vô cùng hấp dẫn và sống động. Những hình tạc trên phù điêu và tượng chạm khắc ngay trên cột gỗ và vách gỗ của Ker Tik thì quá đỗi hồn nhiên và đời sống, mà nghe ông giải thích “ý tưởng” thì chúng tôi chỉ biết “mắt chữ o mồm chữ a”. Như bức tượng hai người đàn ông và đàn bà C’tu đang ôm hôn nhau, bên cạnh có một người đàn ông khác mặt rầu rĩ, hai tay chắp trước ngực, Ker Tik giải thích: Hai người yêu nhau nên hôn nhau - ngày trước trong đám cưới người C’tu hôn nhau (hiện đại quá!), bây giờ không hôn nữa, chỉ nắm tay (hóa ra hậu hiện đại lại thụt lùi hiện đại?) - còn người kia không có người yêu, cô độc nên buồn! (Ker Tik có vẻ dễ chia sẻ với những người buồn, vì trên mấy bức phù điêu ông khắc và vẽ ở nhà gươl có tới mấy người ngồi co ôm mặt mà ông giải thích là: người buồn).
Phạm Thị Thu Thủy
Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397. |