Arsene Wenger, người tạo dựng huyền thoại (Kỳ3): Chia tay đời cầu thủ, đặt chân vào nghề HLV

24/10/2013 19:04 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1979, Arsene Wenger chơi trận đấu đúng nghĩa là cuối cùng của mình. Khi đó ông đã sang tuổi 30 và là trợ lý huấn luyện viên ở đội trẻ.

Chưa đầy 5 năm sau, Wenger trở thành huấn luyện viên trưởng của một câu lạc bộ ở giải hạng Nhất. Chưa đầy 10 năm sau, ông đã dẫn dắt một câu lạc bộ đến chức vô địch Pháp. Chưa đầy 20 năm sau, ông giành được cú đúp ở Anh. Thành công đó sẽ không thể có nếuWenger dành cả tuổi trẻ để chơi bóng ở một đẳng cấp nghiệp dư. Nhưng quan trọng hơn, chơi bóng không phải là thiên hướng của ông.

Lấy bằng huấn luyện viên

Khi ở Strasbourg, Wenger đã bắt đầu theo học để có bằng huấn luyện viên, ban đầu chỉ là bằng huấn luyện viên cấp khu vực. Tại CREPS ở Strasbourg, ông tham gia một khóa dự bị để huấn luyện trẻ em chơi bóng, sau đó là một khóa học chuyên sâu 6 ngày mà Wenger đã vượt qua để được phép lấy bằng huấn luyện viên cấp quốc gia. Thầy giáo của ông ở CREPS là Ernest Jacky, người gần 10 năm trước đã chọn Wenger vào đội tuyển của giải vô địch vùng Alsace. Jacky nhận xét: “Arsene là một chàng trai đặc biệt. Anh ấy học tập rất chăm chỉ và nghiêm túc. Anh ấy chỉ sống cho bóng đá”.

Để có bằng huấn luyện viên cấp quốc gia, Wenger đã làm việc độc lập suốt cả năm và chuẩn bị cho khóa đào tạo hàng năm do Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) tổ chức ở Vichy. Khóa học này kéo dài hơn 3 tuần trong mùa Hè với cả những bài học về lý thuyết và ứng dụng trong sân bóng. Các học viên được nghiên cứu về chiến thuật, kỹ năng cá nhân, sinh lý học, lý thuyết làm trọng tài, các bài tập về tốc độ, cách thức huấn luyện một nhóm. Cuối cùng là các bài kiểm tra, cả viết và thực hành.


HLV Wenger - Ảnh: Getty

Wenger chưa bao giờ gặp khó khăn để vượt qua các kỳ kiểm tra, vả lại bóng đá là niềm đam mê của ông. Tuy nhiên, cuộc sống trong thời gian ở Vichy xét theo nhiều cách là kịch bản tệ nhất có thể với Wenger.

Có tớ 150 người ở tất cả lứa tuổi tham gia khóa học này. Họ được chia thành các nhóm theo vần ABC, mỗi nhóm khoảng 20 học viên. Wenger ở cùng nhóm với Philippe Troussier và họ đã trở thành những người bạn. Nhiều năm sau, Wenger được Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đề nghị tiến cử một người Pháp để làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia và ông đã gợi ý Troussier, người dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản vào tới vòng 2 ở World Cup 2002.

Troussier nhớ lại: “Arsene Wenger sống khép mình. Anh ấy không giao tiếp với bất kỳ ai. Không bao giờ thấy sự sôi nổi ở anh. Arsene cũng không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự đam mê với bóng đá mà anh có. Anh ấy không thích bộc lộ cảm xúc và thường tạo cảm giác lạnh lùng”.

Jean Petit, người từng là trợ lý của Wenger ở Monaco, nói rằng: “Wenger im lặng không phải bởi không có gì để nói. Đơn giản là anh ấy thích lắng nghe và rút ra những kết luận cho riêng mình. Nếu Wenger tự tách mình ra khỏi những người khác, đó là bởi anh ấy có những ý tưởng khác họ. Không phải Wenger cấp tiến hơn nhưng anh ấy nhìn nhận mọi thứ tốt hơn và luôn có những điều chỉnh riêng“.

Thuần túy về kỹ thuật, Wenger giỏi như bất kỳ tuyển thủ quốc gia nào, nếu không muốn nói là còn hơn họ, cả về thể lực, chiến thuật và các phương pháp tập luyện – những thứ ông đã thu lượm được từ năm 20 tuổi khi được làm việc với những huấn luyện viên tận tình và xuất sắc. Theo Petit, trong khi các cầu thủ chuyên nghiệp rất khó khăn để tiếp thu thì Wenger lại dễ dàng vượt qua tất cả. Tuy nhiên, do Wenger chưa phải là tuyển thủ quốc gia nên ông chỉ có thể tạm lấy bằng huấn luyện viên quốc gia cấp độ thấp nhất. Có 3 cấp trong hệ thống bằng cấp huấn luyện viên của Pháp. Những người đã chơi cho đội tuyển Pháp được vào thẳng cấp độ tiếp theo nếu vượt qua một kỳ kiểm tra. Trong khi đó, những người như Wenger phải chờ thêm 1 hoặc đôi khi là 2 năm. Để vào được cấp độ cao nhất, một người nghiệp dư có thể mất 7 năm. Hệ thống cấp bằng này bị chỉ trích là phân biệt đối xử nhưng cũng hợp lý nếu xét theo những đóng góp của các cầu thủ xuất sắc.

Đội trẻ

Trở lại Strasbourg, Wenger làm trợ lý của Hild và tiếp tục ra sân chơi bóng ở đội trẻ trong giải hạng Ba. Họ có khoảng 18 cầu thủ từ 16-18 tuổi. Trong 2 năm, Wenger là libero kiêm thành viên ban huấn luyện. Hild nhận xét: “Arsene Wenger giống như người anh lớn của các cầu thủ. Họ đều nghe lời anh ấy. Arsene có tài truyền thụ hiểu biết của mình cho những người khác“.

Sự thực là Wenger có năng khiếu làm thầy. Tiến cử Wenger là ý của Hild nhưng Paul Frantz, người lúc đó có chân trong Ban lãnh đạo Strasbourg, đã bảo lãnh cho Wenger. Ông kể: “Tôi đã nói với ban lãnh đạo câu lạc bộ rằng Arsene là một chàng trai xuất sắc. Anh ấy sẽ là một tấm gương lý tưởng cho các cầu thủ trẻ. Anh ấy như cha của họ“.

“Đúng lúc cảm thấy mình đã đạt tới những giới hạn riêng với tư cách một cầu thủ, tôi trở thành huấn luyện viên của đội trẻ Strasbourg. Thực ra, gia đình tôi đã phản đối chuyện đó rất mạnh. Họ bị sốc hơn nữa khi tôi quyết tâm trở thành huấn luyện viên trưởng, một công việc nhọc nhằn, thay vì làm cầu thủ. Một cầu thủ có thể về hưu khi 30 tuổi và kiếm một công việc khác (với Wenger càng thuận lợi bởi ông có thể trở về với nghiệp kinh doanh của gia đình – TT&VH) nhưng với một huấn luyện viên thì không. Điều đó có nghĩa là dành gần như cả đời bạn cho bóng đá. Nhưng tôi suy nghĩ rất độc lập và không tham khảo ý kiến của bất kỳ ai. Tôi tự quyết định cuộc đời mình“.


Arsene Wenger lúc mới vào nghề

Và vì thế Wenger trở thành trợ lý huấn luyện viên. Điều kỳ lạ là ngoài kiến thức và sự thông minh, chính tính khí trầm lặng, ít nói của Wenger (mà Troussier từng nhận xét) đã giúp nhiều cho công việc của ông. Theo kinh nghiệm, việc duy trì được một khoảng cách hợp lý với các cầu thủ, nhất là các cầu thủ hàng đầu có trình độ và cả sự kiêu ngạo, sẽ giúp huấn luyện viên có uy hơn. Họ sẽ khó đoán biết Wenger nghĩ gì hoặc sẽ phản ứng thế nào. Đó là một trong những phẩm chất tốt nhất cần cho một huấn luyện viên. Nó cho Wenger uy tín và đặt ông ở một vị thế đầy quyền lực.

Nói cách khác, Wenger tạo ra hình tượng cổ điển về một ông thầy. Ông phát triển quan hệ cá nhân gần gũi với các học trò và thấu hiểu những vấn đề của họ, điều cũng giúp ích cho công việc. Bên cạnh đó, sự lao động nghiêm túc cả với tư cách cầu thủ của ông đã làm gương cho các đồng đội trẻ.

Trong suốt chặng đường sự nghiệp của Wenger ở Pháp luôn có một người thầy gắn bó bên cạnh mà ông suốt đời biết ơn (đầu tiên là Hild, sau đó là Frantz) và những người có ảnh hưởng tích cực khác. Sau này, Wenger cũng đào tạo được rất nhiều học trò xuất sắc, những người đã khôn ngoan biết tận dụng cơ hội làm việc với ông và đi theo con đường đúng đắn.


Arsene Wenger trong một cuộc phỏng vấn năm 1984

Sau khi giành chức Vô địch quốc gia năm 1979, huấn luyện viên Gress chỉ còn hợp đồng với Strasbourg một mùa bóng nữa. Tháng 9/1981, ông tới làm huấn luyện viên FC Brugge. Đã có một tác động kiểu domino. Cũng năm đó, đội trẻ của Hild kết thúc mùa bóng bất bại và ông đã được trao cơ hội làm huấn luyện viên đội 1. Vì thế ghế huấn luyện viên đội trẻ bỏ trống và Wenger được đôn lên.

Lần đầu tiên Wenger phụ trách một đội bóng riêng khi chưa tròn 32 tuổi. Ông đã dồn hết tâm sức vào công việc này: huấn luyện vào buổi sáng, sau đó nhốt mình trong văn phòng ở sân vận động Meinau vào buổi chiều, nơi ông chuẩn bị kế hoạch cho các trận sân khách, gặp bố mẹ và chuẩn bị cho các buổi tập sau.

Tất cả các cầu thủ, trong đó có cả Enzo Scifo lừng danh sau này, đều phải tuân thủ kỷ luật mà Wenger đặt ra. Wenger nghiêm khắc trên sân bóng, trong lúc huấn luyện và cả khi đưa ra những chỉ thị trước trận đấu. Phong cách huấn luyện viên của Wenger đã được nhiều câu lạc bộ quan tâm.

Trợ lý huấn luyện viên

Mùa hè 1983, Wenger tới Cannes, thành phố biển miền Đông Nam nước Pháp, theo đề nghị của huấn luyện viên trưởng Jean-Marc Guilou, một người quen cũ. Ông Hild phải chia tay học trò: “Chúng tôi đã có 10 năm gắn bó, nhưng quyết định ra đi là tốt cho Arsene. Anh ấy muốn học hỏi thêm, muốn trở thành huấn luyện viên trưởng. Không ai có thể tiên đoán điều gì nhưng để thành công, bạn phải vào cuộc“.

Ở Cannes, Wenger bắt đầu với tư cách trợ lý huấn luyện viên phụ trách đội trẻ. Hợp đồng đem lại cho ông mức lương 12.000 franc/tháng (tương đương 520 USD/tuần). Wenger sống trong một căn hộ tuềnh toàng cùng chung cư với vị Tổng giám đốc câu lạc bộ Richard Conte.


HLV Wenger (ngoài cùng hàng hai bên tay trái) và đội hình AS Cannes mùa giải 1983-84 - Ảnh: Accroupis

Guillou nhận xét: “Arsene là hình ảnh của một người cha. Anh ấy hiếm khi mắc lỗi. Anh ấy nghiêm khắc hơn tôi rất nhiều. Sự nghiêm khắc đem lại sự tôn trọng và các cầu thủ noi gương anh ấy“.

Wenger dành chủ yếu thời gian rảnh để nghiên cứu các đối thủ qua băng hình. Thú giải trí của ông là cùng với Conte chạy bộ vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, dọc bãi biển hoặc lên núi. Ông cũng thích chơi bóng mỗi đội 2 người với Guillou, Conte và Boro Primorac (cầu thủ người Croatia của Nice sau này trở thành trợ lý cho Wenger ở Grampus Eight và Arsenal). Thời gian còn lại là để sống trong thế giới tư tưởng. Theo Guillou, ông và Wenger đàm đạo cả về các vấn đề đạo đức, triết học và thời sự. Nhưng 80% các cuộc nói chuyện của họ là về phương pháp huấn luyện và các kỹ năng thúc đẩy tinh thần cầu thủ. Ông nói: “Khi còn trẻ, huấn luyện viên thường dành phần lớn thời gian để tìm kiếm các phương pháp huấn luyện tốt nhất có thể, những phương pháp sẽ đem lại kết quả phi thường. Chúng tôi đã thử các phương pháp rất thú vị nhưng không có kết quả rõ rệt. Không có phép thần trong bóng đá“.

Cũng không có phép thần nào ở trên sân bóng. Đội 1 của Cannes khởi đầu mùa bóng không tốt. Nhưng rồi tình hình khá dần lên và họ lọt vào tới tứ kết Cúp Quốc gia Pháp. Trong thời gian đó, Guillou bận sang châu Phi để ký hợp đồng với cầu thủ trẻ người Bờ Biển Ngà Youssouf Fofana. Wenger được hưởng lợi 2 lần từ điều này. Ông được sử dụng cầu thủ này khi tới làm huấn luyện viên Monaco 3 năm sau đó. Nhưng ngay lúc ấy, việc Guillou vắng mặt đã cho Wenger cơ hội làm huấn luyện viên đội 1.

Đón đọc kỳ 4: Trở thành HLV trưởng và mang phong cách "giáo sư"

Quang Dũng
Tư Liệu từ TT&VH, ngày 24.12.2005

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm