Thảm họa của Chelsea đến từ đâu: Lỗi của Arnesen?

05/09/2009 12:39 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Frank Arnesen đã từ thành người được Chelsea săn đuổi trở thành kẻ đi săn đuổi. Chuyên gia tuyển mộ và lôi kéo các cầu thủ trẻ có thể sẽ gặp nhiều rắc rối tại Chelsea nếu như những chi tiết về vụ chuyển nhượng Gael Kakuta được tiết lộ ra bên ngoài và án phạt rất nặng của LĐBĐ thế giới (FIFA) được giữ nguyên. Với cách dụ dỗ các cầu thủ không mấy sạch sẽ mà từ trước đến giờ Arnesen vẫn thực hiện ở Stamford Bridge, tỷ phú người Nga, ông chủ của Chelsea, Roman Abramovich có lẽ cũng không có cơ sở nào đề phản đối lệnh trừng phạt của FIFA.

Những bức ảnh Abramovich uống rượu và ăn tối với Arnesen trên chiếc du thuyền của ông 4 năm trước từng khiến Tottenham nổi giận. Vụ việc chỉ được dàn xếp sau khi Abramovich chấp nhận, một cách miễn cưỡng, trả 5 triệu bảng tiền bồi thường cho Spurs. Còn giờ đây, có lẽ ông chủ của Chelsea đã phần nào thấy hối tiếc về chính sách nhân sự của mình, dù đó là hệ quả xứng đáng với những gì Arnesen đã làm.

Kakuta không phải là trường hợp đầu tiên

Những vụ chuyển nhượng Ashley Cole, Michael Woods, Tom Taiwo, John Obi Mikel và Nathan Porritt đều diễn ra theo cùng một cách: Arnesen tìm cách tiếp cận bất hợp pháp các cầu thủ vẫn còn hợp đồng với CLB sở hữu họ, thay vì đưa ra một đề nghị chính thức với chủ nhân của “tài sản” đó như thông thường. Trong ba trường hợp đầu, Chelsea đã bị kết luận là phạm luật. Riêng trường hợp Kakuta được FIFA coi là hết sức nghiêm trọng bởi ngoài việc lôi kéo cầu thủ 18 tuổi này, họ còn đưa tiền cho anh để khuyến khích Kakuta rời Lens khi anh mới 15 tuổi và Arnesen bị cáo buộc là đóng vai trò trung tâm trong âm mưu đó.


Frank Arnesen

Trong vụ việc gần nhất giống với trường hợp Kakuta, Arnesen cố gắng đưa Mikel về Stamford Bridge từ CLB Na Uy Lyn Oslo, sau cuộc tranh cãi kéo dài và FIFA phải vào cuộc điều tra, Chelsea đã được tuyên bố trắng án. Khi đó, M.U tìm cách chứng minh rằng Mikel đã ký một hợp đồng với Lyn, rồi sau đó là với họ. Còn trong trường hợp Kakuta, Chelsea khẳng định cầu thủ trẻ người Pháp chưa ký kết bất cứ hợp đồng nào với Lens và do đó, được coi là một lao động tự do.

Ở các trường hợp trước đó, lập luận để bào chữa của Chelsea là nếu họ có tội thì mọi CLB lớn khác cũng đều có tội và FIFA đã bất công khi tách riêng họ ra để xử lý. Tuy nhiên, lần này Arnesen có vẻ đã tìm ra một cách biện hộ thuyết phục hơn. Ông thừa nhận trách nhiệm trong vụ chuyển nhượng, nhưng khẳng định đã không làm gì sai. Tuyển trạch viên người Đan Mạch nói thay vì trả khoản tiền lớn mà Lens đòi hỏi, ông đề nghị với Kakuta học bổng một năm học việc tại Stamford Bridge và cam kết hợp đồng chuyên nghiệp ba năm sau khi anh tròn 16 tuổi vào tháng 6/2007. Ngoài ra, Chelsea quan tâm đến cầu thủ này đã từ khá lâu, cụ thể là sau khi tuyển trạch viên tại Pháp của họ, Guy Hillion, xem anh chơi bóng ở giải U16 Pháp hồi tháng 9/2006. Arnesen cũng khẳng định rằng vụ chuyển nhượng Kakuta được giải quyết đúng như với 20 cầu thủ trẻ khác mà ông đã mua về Chelsea. Ngoài ra, cầu thủ người Pháp sống chung với một gia đình địa phương ở gần sân tập Surrey của đội á quân Premier League.

Câu chuyện từ phía Lens tất nhiên là hoàn toàn khác, nhưng ít ra có một sự thật mà các bên liên quan đến vụ việc đều nhất trí là mong muốn của Kakuta được tới Chelsea. CLB Pháp đòi tiền phí chuyển nhượng 4,3 triệu bảng không lâu sau khi Kakuta ra mắt trong một trận đấu ở giải trẻ tại Anh tháng 8/2007. Tuy nhiên, Chelsea khẳng định Kakuta là một cầu thủ tự do và chỉ đồng ý trả 870.000 bảng tiền phí đào tạo. Sau đó, các cuộc thương lượng ở Stamford Bridge đã diễn ra giữa Giám đốc điều hành Chelsea Peter Kenyon và các quan chức của Lens vào đầu năm 2008, nhưng họ không thể đi đến thỏa thuận nào.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm