10/09/2015 13:00 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - Tại sao một cầu thủ mới 19 tuổi như Anthony Martial lại đắt giá thế? 15 bàn sau 72 trận ở Ligue 1 chưa đủ để thuyết phục ai cả nên cái giá 36 triệu bảng Anh (có thể lên 58 triệu bảng) đủ khiến tất cả đều có quyền nghi ngờ…
..nhưng Anthony Martial chắc chắn sẽ thành công ở Man Utd, dù đó chỉ là một dự đoán. Dự đoán có thể có tỷ lệ sai vượt trội so với tỷ lệ chính xác song ở trường hợp của Martial, kể cả là tỷ lệ chính xác chỉ có 1% trong mắt mỗi người đi nữa thì nó vẫn có thể nghiễm nhiên xảy ra khiến người đặt vấn nghi phải ngỡ ngàng.
1. Thực tế, ở thời điểm này, những ý kiến kiểu như Ray Parlour đưa ra cho rằng ‘đánh cược vào một cầu thủ 19 tuổi là quá mạo hiểm’ rất dễ được người khác đồng tình. Đơn giản, gần như tất cả chúng ta chưa biết Martial là ai (trừ những người mê bóng đá Pháp, mê Lyon và Monaco) và khi một kẻ không-ai-biết-là-ai đó lại có cái giá ngất ngưởng, chắc chắn chúng ta sẽ càng ngờ vực hơn. Ngay cả người Pháp còn ngỡ ngàng vì cái giá mà Man Utd phải bỏ ra cho Martial khi vụ chuyển nhượng ấy vừa chính thức chốt lại, tờ L’Equipe đã đưa hình ảnh Martial ra trang nhất với cái tít nôm na “Tin nổi không? Đắt hơn cả Zidane”.
Đúng, nước Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung sẽ chẳng bao giờ có một Zidane thứ hai nhưng đó là kiểu so sánh nực cười. Chúng ta sẽ không bao giờ có một Pele, Maradona, Cruyff, Platini, Baggio, Gascoigne… thứ hai cả bởi mỗi cá nhân là một chỉnh thể độc lập và khác biệt hoàn toàn, không có ai có thể ‘copy’ 100% cá nhân ấy. Thậm chí, nếu công nghệ nhân bản người có ra đời, chưa chắc việc nhân bản một Zidane hay siêu sao nào đó từ chính mã gene, AND của con người mẫu có thể đảm bảo sẽ ra một bản sao y chang ở mọi giác độ.
Và bởi vậy, so sánh hoặc kỳ vọng Martial sẽ như Cantona, hay như Thierry Henry chắc chắn là một điều lố bịch. Song, bất chấp có ngờ vực thế nào đi nữa, chúng ta đều phải thừa nhận rằng tất cả sẽ đổ dồn con mắt vào trận đấu của Man Utd cuối tuần này để thẩm định chất lượng Martial ra sao. Sau trận ra mắt ấy, khen-chê sẽ đủ cả và cũng chẳng nhận xét nào là chuẩn xác bởi đánh giá một sự nghiệp không thể nhờ vào một trận đấu mở màn. Chắc hẳn, tất cả đều nhớ Pires mở màn thế nào ở Arsenal và sau đó, anh trở thành người ra sao tại CLB lừng danh thành London.
Martial trên bìa L'Equipe
Nhưng quyền ngờ vực là của tất cả mọi người và nó cũng bình đẳng như quyền tin tưởng. Nếu những người ngờ vực đều có lý lẽ, lập luận cho ngờ vực của mình thì phe tin tưởng cũng cần có điểm tựa như thế. Vậy thì điểm tựa nào để ta có quyền tin Martial sẽ thành công trong tương lai?
2. Lật lại những trang báo chưa cũ, chúng ta sẽ thấy khá rõ lý do để Man Utd ném 36 triệu bảng (mà ai cũng cho là ngu ngốc vì đã ngồi trên đống lửa rồi) cho một người mới 19 tuổi. Ngày 25/08, trên khán đài sân Louis II của Monaco, trong đêm đội bóng công quốc thắng Valencia 2-1 ở vòng loại trực tiếp Champions League, xuất hiện rất nhiều ‘gương mặt thân quen’ của Premier League. Báo chí Pháp đã nhanh chân tung hình ảnh một loạt những tay săn đầu người lừng danh của ngoại hạng Anh đang ngồi sát sạt bên nhau đầy chăm chú.
Họ là những ai? Gilles Grimandi của Arsenal; Romain Poirot của Man City; Tony White và Guy Hillion của Chelsea và… David Friio của Man Utd. Và tất nhiên, khi những tay săn đầu người của các CLB Anh quốc ấy có mặt, những kẻ thầm lặng tương tự của Real, Bayern, Milan, Juve cũng không tìm một địa chỉ khác làm gì? Tất cả đều cùng làm một công việc nhàm chán mà họ đã làm suốt hơn 1 năm nay: Soi Anthony Martial, cầu thủ đã dứt áo khỏi đội trẻ của Lyon để sang Monaco năm 17 tuổi với cái giá 5 triệu euro.
Man Utd đã thắng, và họ không thắng theo kiểu của kẻ đường cùng vung tiền mua bừa khi ở thế ngồi trên đống lửa. Họ thắng (dù với cái giá rất đắt) bởi David Friio chưa bao giờ lầm người. Khi còn là cầu thủ, ‘Friio 9 ngón’ (anh bị mất ngón trỏ trái) không phải kẻ nổi danh. Chỉ chơi cho một Nottingham Forest xoàng xĩnh nhưng Friio lại có con mắt đánh giá năng lực cầu thủ rất tốt. Bởi thế, khi giải nghệ, Friio được Fergie chọn làm săn đầu người cho Man Utd, đặc trách Ligue 1. Hợp đồng đầu tiên anh giúp cho Man Utd chính là hợp đồng có tên Evra, người sau này trở thành một thần tượng ở Old Trafford.
Kế tiếp, Friio thuyết phục Fergie sang Pháp để kiểm định Pogba lần cuối. Kết quả là Fergie bị thuyết phục hoàn toàn nhưng sự kiêu ngạo và thói quen khắc kỷ của ông đã khiến Man Utd mất đi một tài năng lớn đủ sức mang lại cho họ số tiền còn hơn số tiền bán CR7. Với kinh nghiệm và bản lĩnh như thế, lẽ nào Friio lại chọn cho Van Gaal một tiền đạo hạng xoàng với cái giá cắt cổ???
Một lý do thứ hai nữa để tin Martial sẽ thành công chính là môi trường làm việc ở đội bóng mà anh sẽ thi đấu. Với điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng tốt hơn hẳn ở Ligue 1, Martial có thể phát huy hết năng lực của mình. Ngoài ra, Man Utd thực sự đang không có một trung phong đúng nghĩa khi Rooney ngày càng bộc lộ mình đã quá quen với vai trò của người chơi sau lưng trung phong. Như vậy, Martial sẽ có cơ hội ra sân nhiều hơn và lý tưởng hơn nữa, anh lại được hỗ trợ bởi một dàn hảo thủ kinh nghiệm phía sau như Mata-Rooney và Depay.
Không nhiều cầu thủ trẻ gặp được một điều kiện tối ưu như thế ở bước chuyển lớn trong sự nghiệp của mình. Đó là còn chưa kể đến Van Gaal, kẻ bị coi là phá hoại trong mắt nhiều người. Đúng, Van Gaal có thể tiêu diệt các ngôi sao lớn nhưng ông lại giỏi phát huy những người trẻ, nhất là khi họ tuân theo kỷ luật mà ông đề ra. Chỉ cần Martial đừng mắc bệnh ‘ngôi sao’ thôi, anh có đủ mọi thứ để trở thành một hiện tượng săn bàn của Premier League mùa giải này.
3. Và cũng không thể không kể đến một lý do khác nữa, nhưng không kém phần quan trọng. Đó là SỐ PHẬN. Câu chuyện Martial có thể là câu chuyện thú vị nhất của bóng đá hiện đại khi chỉ trong vòng 15 ngày, từ một kẻ vô danh bỗng dưng nổi tiếng toàn thiên hạ. Đúng, chỉ 15 ngày thôi, Martial lập kỷ lục chuyển nhượng và được khoác áo tuyển Pháp. Không phải kẻ được yêu chiều bởi số phận sẽ không có được ân sủng lớn đến thế. Và bản thân cái tên anh cũng nói lên tất cả. Muốn nổi danh, tên phải dễ đánh vần, dễ nhớ. Không ít tài năng trẻ lụi tàn chỉ vì cái tên…khó đọc quá. Martial thậm chí còn mang nghĩa ‘chiến đấu’; ‘dũng mãnh’… trong tiếng Anh và có lẽ, số phận đã giao cho anh một nhiệm vụ: chiến đấu vì danh tiếng.
Martial được so sánh với Thierry Henry
Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là Martial đá như thế nào. Hai lần ra sân với tuyển Pháp vừa rồi, với quãng thời gian quá ngắn chưa đủ để đánh giá nhưng ai cũng nhận thấy sự tự tin và phẩm chất kỹ thuật, tư duy chiến thuật tiềm tàng của cầu thủ 19 tuổi ấy. Chất lượng của Martial thì phải hỏi Deschamps. Một người kỹ tính như Deschamps không dễ dàng gì gạt bỏ nhiều cái tên an toàn hơn như Beauvue (Lyon); Corentin Jean (Monaco) hay Gomis (Swansea) để chọn một cậu trai 19 tuổi. Nếu những tay săn đầu người mới theo dõi Martial chỉ hơn 1 năm trở lại đây thôi thì Deschamps đã ‘săm soi’ Martial lâu rồi. Thậm chí, ông còn muốn mua anh về Marseille hồi 2012, khi Lyon gạ gẫm anh từ học viện của CEO Les Ulis, và việc ấy bị bỏ dở bởi thất bại của Blanc với tuyển Pháp và Deschamps trở thành người thay thế.
Martial sẽ đá thế nào cuối tuần này, và có thành công hay không sẽ luôn là một câu hỏi thú vị của mùa giải. Câu trả lời nằm ở chính bản thân anh, và khả năng hoà nhập của anh. Ai cũng có quyền nghi ngờ nhưng ai cũng có quyền tin tưởng. Và tại sao không sống cùng với một niềm tin mà cứ đeo mang nỗi ngờ vực làm gì, nhất là khi chuyện ấy nó chẳng ảnh hưởng gì đến bản thân mình cả???
Hà Quang Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất