16/05/2019 21:34 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện MU mua hớ không có gì quá lạ lẫm. Thật ra ngay từ những năm Sir Alex còn tại vị, đội chủ sân Old Trafford đã có một danh sách dài những bản hợp đồng thất bại.
Một trong những nguyên nhân khiến MU lại lỡ hẹn với Champions League là vấn đề về nhân sự dưới triều đại Ole Gunnar Solskjaer. Những người tiền nhiệm của ông, từ Jose Mourinho, Louis Van Gaal, David Moyes hay thậm chí cả Sir Alex, người thầy cũ của Solskjaer, cũng từng trải qua vấn đề tương tự.
Êm xuôi những năm đầu thời Glazer
Trong hơn hai thập kỷ nắm quyền, Sir Alex đã xây dựng những thế hệ cầu thủ chinh phục danh hiệu. MU của Sir Alex hai lần vô địch Premier League trong ba mùa cuối cùng ông cầm quân, chưa kể ba lần vào chung kết Champions League trong 5 năm cuối ông dẫn dắt.
Nhưng Sir Alex là tác nhân dẫn đến những thay đổi thượng tầng của MU. Những xung đột giữa ông với hai cổ đông người Ireland, John Magnier và JP McManus mùa 2003-04 khởi nguồn cho việc bộ đôi này bán 29% cổ phần cho nhà Glazer. Đó là chỉ dấu bắt đầu cho hành trình thâu tóm đội chủ sân Old Trafford của những ông chủ người Mỹ.
Những ngày đầu dưới thời nhà Glazer, chưa có quá nhiều thay đổi ở MU. Năm 2004, MU chiêu mộ Wayne Rooney từ Everton. Một năm sau, họ đem về Nemanja Vidic, Park Ji Sung và Patrice Evra. Các thương vụ chất lượng tiếp tục xuất hiện. Năm 2006 là Michael Carrick. Năm 2007 là Owen Hargreaves, Anderson, Carlos Tevez và Nani. Đến 2008 là Dimitar Berbatov.
Bước ngoặt 2009 & chính sách “mài ngọc thô”
Từ năm 2009 trở đi, chính sách chuyển nhượng của MU thay đổi đáng kể. Thay vì hướng đến những tài năng đã được khẳng định, đội chủ sân Old Trafford bắt đầu đi săn “ngọc thô”. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc MU chấp nhận để Cristiano Ronaldo chuyển đến Real Madrid với mức giá 80 triệu bảng, rồi lập tức dùng số tiền ấy để chiêu mộ những Antonio Valencia, Michael Owen và Gabriel Obertan. Những cái tên này không phải giải pháp thay thế trực tiếp CR7.
Sir Alex biện hộ điều này với phát biểu ông cần tìm những cầu thủ có giá trị phù hợp, đồng thời không quên tố cáo kình địch cùng thành phố Man City đã làm đảo lộn thị trường chuyển nhượng. Nghe có phần lố bịch, bởi Arsene Wenger từng phát biểu tương tự nhắm vào chính Sir Alex sau khi chứng kiến MU mang về Juan Sebastian Veron và Rio Ferdinand đầu những năm 2000.
Một năm sau, MU không thể chiêu mộ Wesley Sneijder từ Inter Milan. Thay vào đó, Sir Alex đem về Bebe, Chris Smalling và Javier Hernandez. Tất cả đều là những viên ngọc thô với hy vọng sẽ vụt sáng dưới bầu trời Old Trafford. Năm 2011, những tân binh đến với MU gồm David De Gea, Phil Jones và Ashley Young. De Gea và Jones được chờ đợi sẽ vươn tầm tới đẳng cấp thế giới, bên cạnh việc lão tướng Paul Scholes chấp nhận gác việc treo giày để ra sân.
Năm 2012 là một ngoại lệ hiếm hoi, khi Sir Alex chiêu mộ Robin Van Persie trong mùa giải cuối cùng ông tại vị. Bên cạnh đó, tài năng trẻ Nick Powell, người Sir Alex đã dành nửa trang trong tự truyện của mình để mô tả về triển vọng của cầu thủ này, cũng được đem đến Old Trafford.
Một thực tế rõ ràng: Không phải mọi nỗ lực tìm “ngọc trong đá” của MU đều mang lại hiệu quả. Phil Jones có thể gây tranh cãi giữa ranh giới của thành công và thảm họa, nhưng những cái tên như Bebe, Obertan hay Varela rõ ràng không thể bào chữa về mức độ mờ nhạt.
Tất nhiên, khoảng thời gian từ 2013 đến 2018 đánh dấu sự tệ hại của MU, từ thành tích trên sân cho đến khâu chuyển nhượng, một phần bởi đội bóng có không ít cầu thủ phong độ thất thường và thiếu động lực chiến đấu. Mặt khác, những dấu hiệu cho sự đi xuống thật ra đã đến trước khi David Moyes kế nhiệm Sir Alex. MU bắt đầu hướng tới những chữ ký với mức phí kinh tế hơn, nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần dưới thời Glazer. Và đó chính là lúc đội bóng bắt đầu đánh mất mình.
Đức Hùng (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất