24/07/2023 19:29 GMT+7 | Văn hoá
Từ giữa thế kỷ 19, nhu cầu mở mang thị trường, giao thương hàng hải và phát triển kinh tế khiến cho không riêng nước Pháp mà cả thế giới tư bản đều quan tâm đến việc tổ chức các cuộc "đấu xảo" (hội chợ trưng bày sản phẩm để quảng bá và cạnh tranh).
Từ năm 1877, triều đình nhà Nguyễn - lúc ấy còn giữ được chủ quyền ở Bắc kỳ và Trung kỳ - đã cử người, đưa hàng hóa sang dự hội chợ ở Pháp và gặp tại đó các sản phẩm "Cochinchine" (Nam kỳ) được trưng bày như những sản phẩm thuộc địa của nước Pháp.
1. Cùng với việc mở rộng cuộc chinh phục, các đế quốc trong đó có nước Pháp càng nhận ra vai trò to lớn của thuộc địa, nhất là sau các cuộc chiến tranh hoặc khủng hoảng kinh tế mà họ trải qua. Vì thế, bên cạnh các cuộc đấu xảo thuần túy gắn kinh tế của nước Pháp với thị trường toàn cầu, đế quốc này cũng bắt đầu tổ chức các "đấu xảo thuộc địa" như một nguồn lực ngày càng đáng kể để thu hút đầu tư, thương mại và về sau có cả du lịch.
Cuộc đấu xảo thuộc địa đầu tiên của nước Pháp được tổ chức tại thành phố Lyon (1894) và tiếp đó ở Bordeaux (1895)… Cho đến cuộc đấu xảo thuộc địa nổi tiếng tổ chức ở Marseille (1922), nước Pháp muốn khẳng định và biểu dương các thuộc địa của mình đã góp phần rất hiệu quả giúp đế quốc này chiến thắng trong Thế chiến I (1914 - 1918) và phục hồi nhanh chóng trong thời kỳ hậu chiến. Cuộc đấu xảo 1922 có sự hiện diện của Khải Định, vị hoàng đế Đại Nam đầu tiên sang Pháp, lại còn mang theo thái tử kế vị giao cho nước Pháp đào tạo…
Nhưng sau những năm tháng phát triển tốt đẹp, nước Pháp cũng như các nước thắng trận bước vào cơn khủng hoảng kinh tế, sự suy thoái. Một lần nữa nước Pháp lại nghĩ đến các thuộc địa giàu tiềm năng của mình và cuộc đấu xảo được tổ chức vào năm 1931 tại Paris được gắn thêm nội hàm rộng hơn đó là "Exposition coloniale internationale".
Bên cạnh nước Pháp và các thuộc địa của mình, còn có sự tham gia của một số quốc gia cũng có thuộc địa hoặc các xứ thuộc địa của một số nước khác. Lại có thêm cả nước Mỹ từng có thuộc địa Philippines, nhưng đã hoàn trả quyền độc lập, nay góp vào không gian đấu xảo phiên bản ngôi nhà lịch sử của vị tổng thống khai quốc George Washington trên gò Vermont.
Cuộc "Đấu xảo thuộc địa Paris 1931" được mở trong khu rừng Vincennes, phía Đông thủ đô, rộng tới 4,5km2. Kiến trúc trung tâm là một tòa nhà cấu trúc tân hiện đại và có một cánh cửa sắt uốn nghệ thuật được mạ vàng, nên nó được định danh là "Palais de la Porte Dorée" (tạm dịch là Lâu đài Kim Môn - cổng vàng).
Đặc trưng toàn kiến trúc này là được "ốp" kín tường bên ngoài là những tấm phù điêu có chủ đề là thiên nhiên và con người các xứ sở thuộc địa của nước Pháp rộng lớn. Những mảng nghệ thuật tạo hình này là của nhiều tác giả có tên tuổi, trong đó có 3 tấm phù điêu được các sinh viên khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thành lập năm 1924) tạo tác, mà ngày nay có 2 phiên bản còn gắn trên tường của trường ở Hà Nội.
Những bức tường trong lòng tòa nhà cũng được trang trí bằng nhiều bức tranh sơn dầu khổ lớn, cũng về đề tài thuộc địa. Tòa nhà này là vị trí trung tâm để trưng bày những chính sách của nước Pháp đối với thuộc địa, nhằm xác định tiềm năng và tầm quan trọng của thuộc địa đối với nước Pháp.
Sau khi kết thúc đấu xảo, tòa nhà này trở thành một bảo tàng thường xuyên về các thuộc địa của nước Pháp, tồn tại cho đến khi chủ nghĩa thực dân và hệ thống thuộc địa cáo chung.
Tuy nhiên, kiến trúc được coi là đặc sắc và thu hút nhiều khách tham quan nhất lại là phần kiến trúc trung tâm, đồ sộ và đặc sắc nhất của Angkor Wat (Đế Thiên Đế Thích, Campuchia), lúc đó là 1 trong 5 xứ của Liên bang Đông Dương. Kiến trúc này được tái dựng trên tỷ lệ 1/1, cùng với nghệ thuật ánh sáng, tạo nên điểm nhấn ấn tượng về cuộc đấu xảo này.
Lễ khai mạc diễn ra ngày 6/5/1931 tại Lâu đài Kim Môn, với sự có mặt của Tổng thống Gaston Doumergue, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Paul Reynaud và nhân vật được coi là linh hồn chủ trương cuộc đấu xảo quy mô là Thống chế Hubert Lyautey, vẫn được coi là "nhà tư tưởng" của chủ nghĩa thực dân. Trong lễ khai mạc này cũng thấy bóng dáng của Bảo Đại, lúc này vẫn đang tiếp tục được đào tạo tại mẫu quốc (2 năm sau mới trở về chấp chính). Còn phần hội lại diễn ra dưới chân tháp Angkor Wat.
2. Mỗi xứ thuộc địa đều được xây dựng cho mình một không gian đặc trưng, Bắc kỳ được biểu tượng bằng kiến trúc đình làng, Nam kỳ thì lấy mẫu hình kiến trúc Bảo tàng Blanchard de la Brosse (được xây kề Thảo Cầm Viên), còn Trung kỳ là ngôi nhà rường truyền thống và thấp thoáng bóng dáng một tháp cổ của chùa Thiên Mụ (Huế)…
Cũng cần nói thêm, riêng với Đông Dương, Đấu xảo Paris 1931 cũng là thời điểm nhiều sản phẩm văn hóa của Việt Nam được giới thiệu với công chúng quốc tế. Nếu như ở đấu xảo năm 1906 đờn ca tài tử được giới thiệu với một đoàn nghệ thuật do Nguyễn Tống Triều đứng đầu thì đấu xảo 1922 là đoàn cải lương của Lương Khắc Ninh. Còn năm 1931 thì cải lương Nam kỳ cùng với các đoàn nghệ thuật Bắc kỳ lại được đưa sang trình diễn.
Cũng tại đấu xảo này, ngoài việc Hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được điều về Pháp tham gia chủ trì phần mỹ thuật của sự kiện, thì nhiều tác phẩm của các lớp học trò của ngôi trường trẻ tuổi này cũng đã có mặt tại chính quốc, được dư luận đánh giá cao. Chính thành công của các bức tranh lụa mà họa sĩ Nguyễn Phan Chánh trưng bày tại đây đã định hình cho sự phát triển tài năng của họa sĩ nói riêng, loại hình tranh lụa Việt Nam nói chung.
Nếu như "Hội chợ đế quốc Vincennes" được tổ chức để cứu vãn nước Pháp sau cuộc đại suy thoái, thì các tờ báo như L'Humanité, Le Populaire… đều lên tiếng chỉ trích mặt trái của nó là sự tước đoạt tự do và bóc lột tài nguyên, người lao động các thuộc địa. Một luồng dư luận phản kháng, tẩy chay cuộc đấu xảo được hình thành và tạo nên một sự kiện mang hình thức phản kháng. Các nhà thơ phái tả và siêu thực như André Breton, Paul Éluard, Louis Aragon… đã lên tiếng bằng ngôn ngữ nghệ thuật của mình, đi phát tờ rơi kêu gọi "đừng đến đấu xảo".
Năm 1930 - 1931 cũng là năm Đông Dương chuyển mình, sự ra đời các tổ chức cách mạng chống thực dân và các cuộc nổi dậy ở Yên Bái, ở Nghệ Tĩnh… được đáp trả bằng những cuộc tàn sát đẫm máu của chính quyền thuộc địa. Rồi những cuộc biểu tình mang tính phản kháng của những người Việt Nam yêu nước ở Pháp ngay tại Paris, trước dinh tổng thống, hoặc những bài thơ thống thiết của Louis Aragon lên án những kẻ đã chặt đầu những người Việt Nam yêu nước ở Yên Bái… đã báo hiệu một thời đại mới đang đến.
Cho dù cuộc Đấu xảo thuộc địa quốc tế Paris 1931 khai mạc ngày 6/5 và kết thúc ngày 15/11/1931 đã thu hút được 8 triệu khách và thu được 33,5 triệu francs. Cho dù sau đó cuộc đấu xảo thuộc địa năm 1937 còn tổ chức quy mô lớn hơn, nhưng chẳng bao lâu sau đó hệ thống thuộc địa của nước Pháp nói riêng, của thế giới nói chung sụp đổ. Bắt đầu từ 1 trong những thuộc địa mà nước Pháp coi là "bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa hải ngoại của mình", đó chính là Việt Nam!
Giờ đây, tòa nhà năm xưa tổ chức cuộc đấu xảo thuộc địa này vẫn tồn tại trong khu rừng Vicennes, nhưng nay nó đã đổi tên thành "Bảo tàng Quốc gia về lịch sử nhập cư" (Musée national de l'Histoire de l'Immigration), để ghi nhận lịch sử và biểu dương sự đóng góp của những người Pháp có nguồn gốc từ các xứ thuộc địa cũ, hoặc các nơi khác đến sống và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, cũng như sự phong phú về văn hóa của quốc gia này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất