08/05/2023 18:42 GMT+7 | Văn hoá
Năm nay (2023) là thời điểm có ý nghĩa khi nhắc đến tên tuổi một con người điển hình cho một sản phẩm ưu tú của văn minh phương Tây gắn với Việt Nam và đặc biệt là với tỉnh Khánh Hòa. Đó là Alexandre Émile Jean Yersin, mà với người dân Khánh Hòa, ông mang một cái tên rất Việt: ông Năm. Sinh ngày 22/9/1863, tức năm nay kỷ niệm tròn 160 năm ngày sinh của ông; và mất ngày 1/3/1943, tức năm nay giỗ lần thứ 80.
Đọc tiểu sử của bác sĩ Yersin, học trò xuất sắc của Pasteur và cũng là một nhà bác học lớn của nhân loại, không thể không đặt ra câu hỏi: Vì sao ông đã chọn Khánh Hòa làm nơi gắn bó trọn đời và sự nghiệp của mình? Vì sao lúc mới bước vào đời, Yersin mong ước là khi thành đạt sẽ đưa được mẹ từ một miền đất nhỏ bé của Thụy Sĩ đến ở cùng mình tại những nơi danh giá như Paris, London (những điều ông từng tâm sự trong các lá thư gửi mẹ lúc còn hàn vi). Nhưng khi đã thành danh, ông lại quyết định chọn và ở lại Việt Nam, trên mảnh đất Nha Trang của Khánh Hòa cho đến trọn đời, cống hiến cho khoa học của nhân loại và sống hòa mình với người bản địa như một người An Nam thực thụ vậy?
Với Yersin, chắc chắn đó không chỉ là sự lựa chọn thuần túy cảm tính cho khái niệm "đất lành chim đậu". Là bác sĩ trên tàu viễn dương của Hãng Messageries Maritimes, khi chạy trên vùng duyên hải của tuyến đường Hải Phòng-Sài Gòn, Yersin đã có cơ hội quan sát dọc vùng biển và bờ biển Việt Nam. Năm 1891, ông đặt chân lên bờ khi mới 28 tuổi và chọn định cư trọn đời tại Nha Trang, Khánh Hòa cho đến lúc mất (1943), khi đã 80 tuổi.
Trong sự nghiệp của mình, có lúc Yersin từ Khánh Hòa qua Hong Kong (lúc đó là tô giới của nước Anh ở Trung Quốc) trong sứ mệnh đến tâm dịch để phát hiện và phát minh phương pháp chống bệnh dịch hạch cho nhân loại. Cũng từ Khánh Hòa, ông ra Hà Nội để đảm nhận việc xây dựng đại học đầu tiên của Đông Dương dành cho ngành y và dược học. Ông gắn bó với hệ thống các Viện Pasteur từ Paris đến Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, Nam Vang (Phnom Penh)… Thế nhưng, phòng thí nghiệm và Viện Pasteur ở Nha Trang mới là bản doanh khoa học của đời ông.
Rồi cũng chính xuất phát từ vùng biển Nha Trang, qua những chuyến đi thám hiểm, Yersin đã phát hiện ra cao nguyên Lang Biang để mở đường lên Đà Lạt và vùng rừng núi Tây Nguyên hùng vĩ. Đây cũng là sự khởi động cho việc phát hiện và xây dựng tuyến nghỉ dưỡng trước hết cho người Âu trên toàn thuộc địa theo lệnh của Toàn quyền Paul Doumer, sau trở thành những di sản quý giá cho du lịch.
Cũng từ những vườn ươm trên đất Khánh Hòa, Yersin nghiên cứu và du nhập các loại cây làm giàu cho hệ sinh thái vốn đã phong phú của xứ sở Đông Dương như Canh ki na (Cinchona), cà phê, cao su… Ông cũng quan tâm đến việc chữa trị và bảo tồn các loại chim, thú bản địa.
Và cũng từ Nha Trang, con tàu khảo sát biển "De Lanessan" của Viện Hải dương học - mà trong quá trình thành lập có sự vận động tích cực của Yersin - đã thực hiện những hải trình khảo sát hiện trường, sưu tầm mẫu vật và nghiên cứu khoa học về Biển Đông. Trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần khẳng định chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với vùng biển và 2 quần đảo này.
Sinh thời, khi nói đến sự lựa chọn này, Yersin nhận xét Khánh Hòa là nơi "không lạnh, không nóng và yên bình". Trước khi từ trần, ông đã trăng trối rằng: khi chôn cất, muốn được nằm sấp để ôm trọn mảnh đất mà ông đã gắn bó vào lòng.
Tự cuộc đời của Yersin đã trả lời cho câu hỏi về mảnh đất Khánh Hòa mà ông đã chọn và trọn đời gửi gắm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất