Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 48): Cuộc đấu xảo hoành tráng 120 năm trước tại Hà Nội

10/10/2022 08:42 GMT+7 | Văn hoá

Được khích lệ bằng thành công của mô hình Đấu xảo hoàn vũ Paris 1900 (Expostion Uninverselle de Paris 1900), toàn quyền Paul Doumer quyết định sẽ tổ chức một sự kiện tương tự, nhằm quảng bá thuộc địa và những thành tựu của mình. Sự kiện đó được quảng bá là Đấu xảo Hà Nội 1902 (Exposition Hanoi 1902).

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 47): Đấu xảo Hà Nội 1887

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 47): Đấu xảo Hà Nội 1887

Cuộc đấu xảo khai mạc ngày 15/3/1887 ở Hà Nội đã được tờ Avenir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc kỳ) đưa tin "mỗi ngày có tới bốn ngàn người tới xem".

Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY

1. Địa điểm lựa chọn cho Đấu xảo Hà Nội 1902 ở gần nơi dự kiến sẽ xây dựng một nhà ga trung tâm, không chỉ của Hà Nội, mà của toàn bộ hệ thống đường sắt Đông Dương, kết nối với cả vùng Vân Nam.

Cũng cần nhắc lại, vài năm trước đó, 1897, Paul Doumer, Bộ trưởng Tài chính Pháp sang Đông Dương nhậm chức toàn quyền. Đầu óc của một nhà thực dân lão luyện - cuối đời trở thành Tổng thống của nước Pháp - đã đưa ra một chương trình khai thác thuộc địa hoành tráng.

Chú thích ảnh
Poster quảng cáo về Đấu xảo Hà Nội 1902

Chương trình 1897 (Programme 1897) được hoạch định ưu tiên hàng đầu là xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông, lấy đường sắt làm xương sống. Nhiệm kỳ của Doumer kết thúc vào năm 1902, thời điểm mạng lưới đường sắt ở Bắc kỳ đã hình thành kết nối cảng Hải Phòng với Hà Nội và tỏa lên phía Bắc, tiếp cận 2 cửa ngõ Lạng Sơn và Lào Kai (Lào Cai), để thâm nhập vào thị trường Đại Thanh (Trung Quốc).

Chiếc cầu thép dài ngót hai cây số sau đó mang tên Doumer được coi là điểm nhấn quan trọng và gây ấn tượng nhất, góp phần nâng cao vị thế của thành phố Hà Nội, lúc này đã trở thành thủ đô của toàn xứ Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise).

Một không gian rộng lớn với một đại cung (Grand Palais) được xây dựng cùng nhiều kiến trúc nhỏ và không gian ngoài trời được quy hoạch thành những gian trưng bày hàng hóa, vui chơi, dịch vụ… như cách nói ngày nay là "rất chuyên nghiệp". Điều quan trọng hơn hết là đấu xảo đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều quốc gia tham dự.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh khu đấu xảo nhìn từ trên cao, góc trái là Công ty Hỏa xa Đông Dương - Vân Nam

Trước tiên là 5 xứ, thành phần của Đông Dương là Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Campuchia và Lào đều có những không gian riêng. Các nước và vùng lãnh thổ như các thuộc địa Pháp ở Bắc Phi (Algérie, Maroc, Madagascar, Sénégal…), các vùng lân cận như Đại Thanh, Hong Kong, Thượng Hải, Đài Loan, Philippines, Birmanie (Miến Điện), Indonesia, Korea… đều gửi hàng và các đoàn giới thiệu văn hóa bản địa của mình đến đấu xảo. Trung tâm của tòa đại cung còn là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có phiên bản phác thảo nhóm tượng Bourgeois de Calais nổi tiếng của điêu khắc gia danh tiếng Auguste Rodin.

Chú thích ảnh
Tòa đại cung của đấu xảo

2. Tuy nhiên, do thời gian nhiệm kỳ đã kết thúc, một cơn bão lớn và nạn dịch bùng phát ở Hà Nội khiến không gian trưng bày không kịp hoàn thiện đúng tiến độ, nên Paul Doumer chỉ kịp dự khánh thành tòa đại cung và cầu Doumer rồi phải trở về chính quốc (3/2/1902). Mãi tới tận ngày 16/11 năm đó, Đấu xảo Hà Nội 1902 mới chính thức khai mạc dưới sự chủ tọa của tân toàn quyền Paul Bert, cùng sự hiện diện của nhiều quan khách Đông Dương và nước ngoài… Đấu xảo chỉ kéo dài đến ngày 30/6/1903, bế mạc sớm hơn dự kiến…

Tuy nhiên, khu đấu xảo vấn được duy trì và tiếp tục được xây dựng hoàn thiện để tổ chức các hội chợ của Hà Nội nhiều năm sau đó. Riêng tòa kiến trúc đại cung có lúc được sử dụng làm Bảo tàng Con người (Musée de l' Homme) của Trường Viễn Đông Bác cổ, sau đó trở thành Bảo tàng Nông, Công và Thương nghiệp Đông Dương (Musée de l'Agricole, l'Industrie et du Commerce), rồi được mang tên Toàn quyền Maurice Long…

Bảo tàng này không chỉ là nơi trưng bày quảng bá sản phẩm của Đông Dương và xúc tiến các giao dịch thương mại, mà nó còn trở thành nơi đào tạo một số nghề du nhập từ nước ngoài cho lao động dư thừa ở Việt Nam như nghề thêu ren, đan mũ Panama, may mặc… Tại đây cũng tổ chức cho các nhà sản xuất ở Đông Dương có cơ hội tham dự các cuộc đấu xảo ở nước ngoài.

Thời gian Nhật chiếm đóng, máy bay Mỹ đã ném bom Hà Nội, toà đại cung bị phá hủy, kinh tế đình trệ, hoạt động đấu xảo đứt đoạn… Địa điểm tòa đại cung một thời gian được dùng làm Nhà hát Nhân dân và nay là Cung Lao động, mà tiền thân là Cung Hữu nghị do Liên Xô xây dựng.

Chú thích ảnh
Toàn quyền Paul Bert và các quan khách trong ngày khai trương
Chú thích ảnh
Toàn cảnh Đấu xảo Hà Nội 1902 và tòa nhà trung tâm (Grand Palais)
Chú thích ảnh
Gian hàng Nam kỳ, các sản phẩm nông nghiệp, gốm sứ…
Chú thích ảnh
Gian hàng Trung kỳ, khung cảnh triều chính bằng các hình nhân
Chú thích ảnh
Gian hàng Trường Công nghệ thực hành
Chú thích ảnh
Gian hàng Campuchia, hình ảnh triều đình Phnom Penh
Chú thích ảnh
Gian hàng Algérie
Chú thích ảnh
Gian hàng Đại Thanh (Trung Hoa)
Chú thích ảnh
Kiến trúc lều tranh của người Négristo ở đấu xảo
Chú thích ảnh
Cộng đồng người Khạ (Lào) tại đấu xảo
Chú thích ảnh
Những nhạc công da màu tại đấu xảo
Chú thích ảnh
Các trò giải trí tại đấu xảo
Chú thích ảnh
Trình diễn kỹ năng chữa cháy tại đấu xảo
Chú thích ảnh
Huy chương của Đấu xảo Hà Nội 1902
Chú thích ảnh
Đấu xảo mang chức năng bảo tàng

 QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm