24/10/2017 10:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa rồi, tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2017, dự án phim Tro tàn rực rỡ (tựa tiếng Anh: Glorious Ashes) của Bùi Thạc Chuyên đã vượt qua 27 dự án khác để đoạt giải thưởng xuất sắc nhất ở hạng mục Asian Project Market, với trị giá 15.000 USD (khoảng 340 triệu đồng).
Để dự án này có thể đi vào sản xuất được thì hãy còn thiếu nhiều kinh phí, nhưng đây vẫn là tín hiệu đáng mừng.
Kịch bản là chuyện tình đẹp và buồn
Nghe tin này, như thường lệ, Nguyễn Ngọc Tư vẫn khá kiệm lời. Chị chỉ nói: “Tui không nghĩ gì ngoài mừng cho ông Chuyên kiếm được chút tiền để làm thứ phim mà hai đứa tui đùa là phim buồn ngủ”.
Bùi Thạc Chuyên thì cho biết anh chuyển thể kịch bản này mấy năm trước, từ hai truyện ngắn Củi mục trôi về và Tro tàn rực rỡ của Nguyễn Ngọc Tư. Lý do của việc chuyển thể: “Nó đầy chất điện ảnh, lại viết rất hay về phụ nữ, về cái tình của phụ nữ với những người đàn ông”. Kịch bản là chuyện tình đẹp và buồn của ba người đàn bà ở chốn miệt vườn Cà Mau.
Hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về đều có dung lượng dưới 2.400 chữ, rất ít nhân vật, với câu chuyện thiên về ý nghĩ, cảm giác, quả là một thách thức khi chuyển thể. Một kịch bản phim phổ biến thường dài từ 90 đến 110 trang. Hai truyện này từng in trong tập Đảo, với 15 truyện ngắn, mà hơn phân nửa trong số này có dung lượng dưới 2.000 chữ.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, nhà sản xuất tương lai của phim là Trần Bích Ngọc cho biết: “Sau khi kết thúc Busan, chúng tôi cũng dự định sẽ mang Tro tàn rực rỡ đến một số quỹ khác ở châu Âu để tìm kiếm nguồn tài trợ”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì những dự án nặng dấu ấn phim tác giả như Tro tàn rực rỡ thì các nhà đầu tư, sản xuất trong nước chẳng mấy mặn mà.
Thậm chí có những phim đã hoàn thành từ lâu như Nước 2030 của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, hoặc tạo được dấu ấn ở các liên hoan phim lớn như Cha và con, và… của Phan Đăng Di vẫn chưa tìm được nhà phát hành trong nước. Phim này có mặt trong danh sách tranh giải chính thức của Liên hoan phim Berlin 2015.
Thủ pháp “gián cách” để độc giả nhập cuộc
Cả hai truyện ngắn đều viết với thủ pháp gián cách, và kết thúc cũng bằng hình ảnh gián cách. Trong Tro tàn rực rỡ là câu: “Nhàn đã không chạy ra khỏi đống lửa như mọi khi, anh à!”, còn trong Củi mục trôi về: “Vì cái buồn vơ vẩn đó, thầy nghĩ chắc mình phải đi tu chùa xa quá”. Nhưng trong một bản in khác, truyện này lại kết thúc bằng câu: “… vì cái buồn thế tục đó, thầy nghĩ chắc mình phải đi tu chùa xa”.
Nguyễn Ngọc Tư thường đắn đo, thường sửa đổi cái kết để lửng của truyện. Chọn lối viết này, dường như Nguyễn Ngọc Tư không muốn độc giả ở vị trí bàng quan, mà phải nhập cuộc, cùng chia sẻ cái buồn miên man, đôi khi vô định.
Ở truyện Tro tàn rực rỡ, vợ chồng Tam và Nhàn sống ở xóm Thơm Rơm, Tam say rượu suốt ngày, “thú vui lớn” của anh này là đốt nhà để ngắm tàn tro. Ở truyện Củi mục trôi về là cuộc tái ngộ đầy băn khoăn, khó xử giữa “gã” và “thầy”. Bối cảnh câu chuyện có thể tóm tắt bằng hai câu này: “Gã, khúc củi mục trôi giạt về Thổ Sầu, ghé qua ngôi chùa nghèo này. Nghèo đến mức người xa về không biết gọi là nhà hay chùa”.
Dù mỗi loại hình có một ngôn ngữ riêng, nhưng nếu chuyển thể mà để “lọt sàng” thủ pháp gián cách, thì xem như chưa chạm đến tinh thần của Nguyễn Ngọc Tư.
Trong quá khứ, sự “lọt sàng” này đã không ít lần xảy ra. Ví dụ phim Cánh đồng bất tận của Nguyễn Phan Quang Bình, vở cải lương Hiu hiu gió bấc của Quốc Việt, vở kịch Tro tàn rực rỡ (phỏng theo truyện ngắn Đảo và Tro tàn rực rỡ) của Lê Thụy, phim Đời như ý của Vương Quang Hùng… đều bị “lọt sàng” như vậy. Tất nhiên cũng có không ít chuyển thể thành công, ví dụ vở kịch Nửa đời ngơ ngác (từ truyện ngắn Chiều vắng) của NSƯT Thành Hội.
Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968, từng tạo dấu với Sống trong sợ hãi (2005), Chơi vơi (2009), hy vọng anh cũng sẽ thành công với chuyển thể lần này.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất