06/10/2017 11:01 GMT+7 | Điểm đến
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyến bay gần như không định trước đưa tôi vượt biển Ban tích tới một trong những thủ đô rộng lớn nhất và ít dân số nhất thế giới (hơn 450 km2 với khoảng 650.000 dân ở nội đô): Oslo, trái tim của Na Uy.
Không may, chuyến phà dân dụng đã bị đóng cửa cùng lúc với làn sóng người tị nạn tràn qua châu Âu. Chỉ còn tàu du lịch được phép lưu hành trên hải trình này, theo đó, du khách chỉ được phép lưu trú 7 giờ ở Oslo mà trên thực tế bạn cần ít nhất tới... 70 giờ để có thể bớt phần nào tiếc nuối khi phải xa rời một nơi nhiều điều kỳ diệu như Oslo.
Mùa Đông kỳ diệu
Nhiều người vẫn nghĩ dân Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa, chỉ nên du lịch khu vực Bắc Âu vào mùa Hè với nhiệt độ mát mẻ. Nhưng mùa Đông là một đặc sản của Na Uy, nước “bắc” nhất trong 4 quốc gia Bắc Âu. Và mặc dù là thành phố nổi tiếng về đắt đỏ trên thế giới, chuyến bay của hãng Norwegian đáp xuống sân bay Gardermoen ngay ngày đầu năm mới 2016 đã kín chỗ với rất nhiều du khách mang theo đồ trượt tuyết. Ski và tắm băng là hai trong số trò chơi mùa Đông thú vị và độc đáo ở đất nước này.
Trượt tuyết ở Na Uy không mất công đi xa hay leo núi như ở Thụy Sĩ. Thủ đô Oslo nằm trên một vùng đồi núi rộng lớn, địa hình này đã tạo nên những khu làng trượt tuyết cách trung tâm thành phố chỉ chừng 20-30 phút xe. Holmenkollen là một ngôi làng nổi tiếng trong số ấy.
Có thể số đông chỉ biết tới ngôi làng này khi năm 2011 giải trượt tuyết thế giới (World Ski Championships) đã được tổ chức tại đây. Nhưng từ hơn một thế kỷ trước, chính xác là từ năm 1892, các cuộc thi trượt băng đầu tiên đã được tổ chức tại Holmenkollen. Bảo tàng trượt băng Holmenkollen Ski & Tower trong làng mở cửa từ năm 1923 là bảo tàng lâu đời nhất thế giới về môn thể thao này. Hiện hàng năm ở đây đều diễn ra giải trượt tuyết quốc gia Na Uy.
Chúng tôi vào làng trong cơn mưa tuyết nhẹ. Đường quanh co và khá dốc. Gần tới làng, cảm giác đi len lỏi trong rừng - Rừng Na Uy. Đến Holmenkollen mùa này như lọt vào ngôi làng cổ tích khi tuyết trắng phủ bạt ngàn. Trắng đường đi, trắng mái dốc những ngôi nhà xinh xắn, trắng nóc xe hơi và lấp lánh những ngọn thông bị băng bọc kín như hổ phách... Ngay đầu làng là cầu trượt tuyết lớn, nơi diễn ra giải thi đấu trượt tuyết thế giới năm 2011.
Nếu không trượt tuyết, bạn có thể ngắm toàn cảnh Oslo mùa Đông từ trên ngọn tháp hay nhấm nháp ly Espresso nóng trong quán cà phê bảo tàng, ngắm tuyết rơi ngoài khung cửa... Như những khung hình đen trắng ảo diệu được vẽ nên dưới bàn tay của thiên nhiên, thật kỳ thú, nhất là với những du khách từ xứ sở nhiệt đới quanh năm nhiệt độ quanh quẩn 30OC như tôi.
Và những pho tượng nude
Frogner Park, công viên trung tâm của Oslo còn được mệnh danh là “Công viên tượng nude”. Bởi có lẽ không công viên nào trên thế giới tập trung được bộ sưu tập tới hơn 200 pho tượng nude kỳ lạ như ở đây. Chúng kỳ lạ không chỉ bởi số lượng, mà chủ yếu bởi phong cách tạo hình khác biệt hoàn toàn với các pho tượng Phục Hưng ở hầu hết các thành phố châu Âu khác. Chúng đơn giản về chi tiết, mạnh về hình khối. Trông chúng, người ta không cảm giác thấy sự yếu đuối, lãng mạn, mà ngược lại, là một sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt, dù các bức tượng không mảnh vải che thân giữa mùa đông tuyết giá! Tương tự các công trình kiến trúc của Oslo, cũng là một khác biệt lớn nếu so với nhiều thủ đô châu Âu khác, mạnh mẽ về hình khối thay vì tỉ mỉ về chi tiết.
Có lẽ đó cũng chính là phẩm chất của con người Na Uy, vùng đất đã sinh ra Thor, người đã thực hiện chuyến du hành vượt biển trên chiếc bè Kon Tiki để “xét lại lịch sử” và chính ông cũng đã mang vinh quang về cho đất nước Na Uy với giải Oscar đầu tiên và duy nhất ở hạng mục Phim tài liệu hay nhất với bộ phim Kon Tiki.
Và trước Thor, đó là những Viking từ thời kỳ đồ đá muộn. Mặc dù Viking vẫn bị hiểu là “cướp biển”, song thực tế đó là những nhà thám hiểm, thương nhân, những chiến binh trên biển từ thời kỳ đồ đá muộn, những người đã giong buồm đi khắp châu Âu và Bắc Đại Tây Dương (tại Oslo có một bảo tàng về những con thuyền của người Viking).
Hơn 200 pho tượng nude trong công viên Frogner là một phần trong sự nghiệp vĩ đại của nhà điêu khắc hàng đầu Na Uy, Gustav Vigeland, cũng là người đã thiết kế giải thưởng Nobel. Nói đến Na Uy, số đông công chúng quan tâm chút ít tới nghệ thuật đều biết đến Munch và bức Tiếng thét (The Scream), với một trong 4 phiên bản gốc từng được bán đấu giá tại New York lên tới gần 120 triệu USD.
Người bạn cùng thời, song hành cùng Munch trong các đề tài, phong cách nghệ thuật, chính là Vigeland. Chỉ khác, Munch thể hiện trên mặt phẳng, trên toan, còn Vigeland, trong không gian, trong điêu khắc.
Trong những ngày ngắn ngủi ở Oslo đầu năm 2016, tôi may mắn được xem một cuộc triển lãm độc đáo và đắt giá - Triển lãm các tác phẩm Munch và Vigeland, thấy được sự kiếm tìm vật vã và đau đớn của cả hai nghệ sĩ Na Uy vĩ đại khi họ vẽ lên/tạc lên cảm xúc bên trong của họ thay vì thể hiện hiện thực như mắt nhìn- những cảm xúc mãnh liệt đến dữ dội.
Và dĩ nhiên, Oslo, Na Uy còn nhiều hơn thế…
Bài và ảnh: Thủy Phạm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất