11/01/2017 06:55 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu năm 2015 là thời kỳ “hô mưa gọi gió” của các ca khúc EDM (Electronic Dance Music - âm nhạc có sử dụng các thiết bị điện tử), thì hầu hết những ca khúc thành công nhất, trở thành hiện tượng trong năm 2016 đều thuộc dòng nhạc ballad nhẹ nhàng...
Nhạc trẻ lên ngôi
Theo số liệu của Zing Mp3 cung cấp cho Thể thao & Văn hóa (TTXVN), trong năm 2016 phân khúc nhạc trẻ chiếm đến quá nửa tổng lượng nghe của kênh âm nhạc trực tuyến này với 55,33%. Trong khi đó, nhạc trữ tình, quê hương đứng thứ 2 với tổng số lượng nghe chiếm 22,6%.
Bất ngờ là thể loại rap Việt, điện tử, nhạc dance vốn chiếm thế thượng phong trong những năm trước giờ “tóp” lại với 7,2% (rap Việt) và 3,11% (nhạc dance).
Số lượng người nghe tăng đều nhưng phần nhạc trẻ với xu hướng pop ballad lại đang dẫn đầu. Và điều này càng được kiểm chứng nếu như nhìn qua một loạt các giải thưởng âm nhạc vừa được trao gần đây.
Những ca khúc pop ballad đã chiếm số lượng rất đáng kể tại Zing Music Awards, Làn sóng xanh, Vpop 20. Những bài hát như Sau tất cả, Gửi anh xa nhớ, Anh cứ đi đi, ‘Cause I love you, Phía sau một cô gái, Quá khứ còn lại gì... gần như càn quét hết các giải thưởng lớn nhỏ và đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của dòng nhạc pop/pop ballad sau một thời gian “thất thế”.
Tân binh 19 tuổi Erik gây bão mạng với ca khúc "Sau tất cả", một bài hát đại diện rõ nét cho xu hướng Pop ballad 2016 và có thể lan sang 2017
Số liệu mà trang nhạc nhaccuatui.com cung cấp cũng tương tự khi hầu hết những bài hát nằm Top của trang này cũng đều là những bài pop ballad của Sơn Tùng, Khắc Hưng, OnlyC… Chẳng hạn như ca khúc Em của ngày hôm qua của Sơn Tùng M-TP đến giờ đã có gần 50 triệu lượt người nghe, bỏ khá xa nhiều bài hát khác.
Trong khi đó, “bài hát quốc dân” Sau tất cả có hơn 16 triệu lượt tại nhaccuatui và gần 70 triệu lượt tại Zing.
Có thể xem bài hát này là đại diện tiêu biểu cho xu hướng pop ballad của năm 2016 với rất nhiều ca khúc tương tự có lượng nghe đông đảo. Chính “bài hát quốc dân” liên tục đứng Top đầu các bảng xếp hạng này đã mở đường cho sự đổ bộ của hàng loạt ca khúc pop/pop ballad rất “hot” ngay sau đó.
Nếu Hariwon thành công với Anh cứ đi đi thì Noo Phước Thịnh được nhớ nhiều với ‘Cause I love you. Cũng chính nhờ bản pop Quá khứ còn lại gì mà rocker Nguyễn bất ngờ nhận được hàng loạt giải thưởng âm nhạc cuối năm.
EDM: Bão hòa nhưng chưa kết thúc
Năm 2015, EDM đổ bộ ngập tràn xuống thị trường nhạc Việt với một loạt các lễ hội âm nhạc đình đám nhưng đến 2016 nó bắt đầu chững lại.
Tuy nhiên, sự chững lại này rất khó xét ở mức độ đại chúng bởi sau khi gây sốt thì EDM lan tỏa theo phân khúc chứ không nhất thiết phải chảy ở dòng chính thống.
Các liên hoan EDM tuy ít nhưng chất hơn và công chúng của nó không hề suy giảm. Đây là đặc tính của một thị trường âm nhạc bắt đầu chuyên nghiệp khi không “gom” quá nhiều dòng nhạc vào một lễ hội. Nhạc nào công chúng ấy và nếu tham dự các lễ hội âm nhạc EDM sẽ thấy rằng dòng chảy của nó đang vẫn rất ổn định, chỉ là không quá sôi động như năm 2015.
Điều này cho thấy, qua năm 2017, EDM sẽ vẫn tiếp tục chảy và càng phân định rõ hơn phân khúc của mình. Một loạt các thương hiệu cũng đang sẵn sàng bỏ tiền tỷ để làm những lễ hội EDM bởi phân khúc này đang thắng thế dù trên mặt trận nhạc trực tuyến nó đang có phần suy giảm.
Cao Bá Hưng, một trong những thí sinh nổi bật của “Sing My Song” năm nay với cách sáng và chơi nhạc khác biệt
Những chương trình như The Remix thậm chí thay đổi cả format mới và cả tên gọi để hướng EDM vào giới trẻ nhiều hơn.
The Remix là một trong những dẫn chứng để cho thấy các chương trình truyền hình thực tế đang là một đồng hồ dự báo xu hướng âm nhạc hàng năm, bên cạnh những giải thưởng âm nhạc.
Sự thắng thế của bolero trong các chương trình thực tế âm nhạc cũng đã đưa album Còn trong kỉ niệm của Lệ Quyên được vinh danh tại Zing Music Awards. Chiếm 22.60% tổng lượt nghe trong một năm của dòng nhạc trữ tình, quê hương là một con số không nhỏ mà Lệ Quyên là một đại diện rõ ràng nhất.
Đây cũng là phân khúc ổn định của nhiều trang nghe nhạc trực tuyến trong nhiều năm quá dù không quá sôi động nhưng nó cũng cho thấy bolero hay trữ tình, quê hương sẽ vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong 2017.
Bên cạnh đó, năm 2016 cũng đã tạo ra một chương trình gây sốt, Sing My Song, một chương trình dành cho các tác giả vừa sáng tác vừa trình bày những tác phẩm của mình. Ngay cả nhạc sĩ Đức Trí cũng phải thốt lên rằng “Phải đến đây mới biết giới trẻ sáng tác khác xa với những gì mà tôi được nghe trên mạng”.
Thật ra, Sing My Song là một sự khái quát hóa phần nào của một lớp băng đang trôi dưới thị trường chính thống. Ở đó, những nghệ sĩ indie vẫn miệt mài sáng tác và hát những ca khúc của mình. Những Lê Thiện Hiếu, Cao Bá Hưng… là đại diện cho những nghệ sĩ như vậy. Ở đó, trên những trang nghe nhạc như SoundCloud luôn đầy ắp những công chúng thể hiện sự yêu thích của mình với những nghệ sĩ vẫn còn vô danh ở thị trường chính thống nhưng lại rất được yêu thích ở thị trường underground.
Xu hướng này với sự tiếp sức của Sing My Song chắc chắn sẽ là một cơn gió hà hơi tiếp sức cho thế giới indie lại có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2017.
Cho dù dự báo chỉ mang tính tương đối và chưa biết điều gì sẽ chờ đón thị trường âm nhạc Việt Nam trong năm 2017, nhưng với những xu hướng đang diễn ra, các nghệ sĩ Việt đang đứng trước đòi hỏi phải không ngừng đổi mới để hòa nhập, sáng tạo ra những sản phẩm âm nhạc mới mẻ và không bị tụt hậu.
Sự trở lại của "retro" Ngoài ballad, thì xu hướng “retro” (giả cổ) cũng dần dần trở lại trong một vài sáng tác gây sốt của Tiên Cookie với Gửi anh xa nhớ (Bích Phương) hay Phía sau một cô gái (Soobin Hoàng Sơn). Với ca từ dịu dàng, da diết nhưng không kém phần độc đáo cùng MV đẹp như “ngôn tình”, các ca khúc mang hơi hướng retro như trên đã một làn gió nhẹ nhàng thổi vào nhạc Việt vốn đang dần bão hòa với EDM. |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất