10/09/2020 08:40 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 8/9, tôi sững sờ khi được một bạn đồng nghiệp gọi nhờ kiểm chứng thông tin “HLV Riedl qua đời ở tuổi 71” mà truyền thông Indonesia vừa đưa. Và sau khi không thể liên lạc tới cả 2 số điện thoại bên Áo của ông cũng là lúc có thông tin xác nhận từ chính truyền thông Áo... HLV Riedl đã ra đi.
Người gắn với những chiến công và cả kỷ niệm buồn đáng nhớ
Viết gì đó về Alfred Riedl ư? Nên bắt đầu từ đâu khi trong tôi bao ký ức cùng sống dậy? Riedl đến Việt Nam ở thời điểm tôi cũng mới bước vào nghề viết thể thao. Một HLV quá đỗi lịch lãm trong phong cách ứng xử, nhưng khi bắt tay vào công việc, thì ông đã đem tới một “hơi thở” mới đầy chuyên nghiệp cho ĐTQG Việt Nam, ngay từ những ngày đầu tiên trong hành trình chuẩn bị Tiger Cup 98 – giải đấu lớn đầu tiên của bóng đá khu vực mà Việt Nam là chủ nhà.
Chiến thắng Thái Lan 3-0 ở trận bán kết Tiger Cup 98 với hình ảnh ông Riedl đấm mạnh lên không sau trận đấu đã thổi bùng niềm kiêu hãnh và tự hào nơi hàng triệu trái tim yêu bóng đá Việt Nam bao nhiêu thì thất bại 0-1 trước Singapore lại khiến người ta buồn và tiếc bấy nhiêu. Riedl càng buồn hơn ai hết. Nhưng dù sao, ông vẫn được đánh giá cao vì đã tạo nên một ĐTVN gần như “không biết sợ” khi đá với tuyển Thái. Một điều quan trọng khác: Riedl luôn biết tìm cách để tối ưu hóa năng lực của các học trò...
Khi mới sang Việt Nam, ông Riedl từng muốn xây dựng một đội tuyển Việt Nam chơi với sơ đồ 4 hậu vệ (4-4-2) “kiểu châu Âu”, nhưng sau đó, khi nhận thấy nó không phù hợp với thể trạng cũng như chiến thuật quen thuộc của các cầu thủ thì ông trở lại với sơ đồ 5-3-2 quen thuộc (có 3 trung vệ, trong đó 1 người đá thòng).
Có người bảo Riedl là HLV thuộc mẫu “trung dung”, nhưng từ một góc độ khác: Ông muốn giúp đội bóng có thể đạt kết quả tốt nhất có thể trong điều kiện năng lực còn nhiều hạn chế. Kỳ tích đưa đội U-23 dự Vòng loại Asian Cup, và đánh bại “đệ tứ anh hào thế giới” Hàn Quốc 1-0 năm 2003 đến từ chính cách rèn quân như thế: Biến đội bóng thành một tập thể đầy khát khao chiến thắng và cực kỳ... giàu sức chịu đựng.
Trớ trêu thay, cái “huông HCB” cứ thế đeo đuổi ông trong 3 kỳ SEA Games: SEA Games 20 năm 1999, SEA Games 22 năm 2003 rồi SEA Games 23 trên đất Philippines. Riêng với kỳ SEA Games 23, sau khi Scandal ở Bacolod bị phát hiện, Riedl tâm sự với người viết: “Sao họ lại phản bội tôi và người hâm mộ như vậy? Tôi buồn quá! Bao giờ bóng đá Việt Nam mới lại có được nhiều cầu thủ tài năng như thế?”... Với ông, đấy chính là kỷ niệm buồn nhất trong 3 “nhiệm kỳ” làm việc ở Việt Nam.
Nhưng sau những mất mát ấy, ĐT Việt Nam vẫn thành công dưới sự dẫn dắt của ông. Tại Asian Cup 2007, lần đầu tiên Việt Nam được làm chủ nhà của 1 trong 4 bảng đấu, cũng là lần thứ 3 Riedl được mời dẫn dắt đội tuyển, để rồi tạo nên một chiến tích huy hoàng: ĐT Việt Nam là đội Đông Nam Á duy nhất giành tấm vé góp mặt ở vòng tứ kết (thua Nhật Bản, hòa Qatar 1-1 và thắng UAE 2-0). Chỉ tiếc rằng tới cuối năm ấy, tại Nakhon Ratchasima (Thái Lan), lứa U-23 dưới sự dẫn dắt của ông lại không thể vượt qua trận bán kết SEA Games 24, khiến ông thất vọng, tuyên bố từ chức. Đấy cũng là giải đấu cuối cùng mà Riedl làm việc với bóng đá Việt Nam.
Người bạn lớn của bóng đá Việt Nam
Chỉ ít ngày sau khi sang Việt Nam, HLV Riedl đã gây ấn tượng mạnh trên báo chí với nhận xét: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”, ý nói về thực trạng coi nhẹ công tác đào tạo trẻ khi ấy. Nhận xét này khi ấy từng gây sốc, khiến một số lãnh đạo LĐBĐVN bực bội, nhưng không thể bác bỏ. Nó đã tiếp tục được làm sáng tỏ, rồi cũng được tiếp thu, quan tâm hơn tới công tác đào tạo trẻ - nền tảng cho những thành công sau này.
Ông Riedl có vẻ ngoài tương đối “lạnh lùng”, nhưng với riêng tôi, ông vẫn đầy thân thiện, thậm chí còn coi như một người có thể thoải mái trò chuyện, dù khi đang dẫn dắt ĐT Việt Nam hay đã sang Lào và đưa đội U23 nước này lập kỳ tích vào tới bán kết SEA Games 25 năm 2009 (khi Lào làm chủ nhà).
Tại kỳ AFF Cup 2010, khi đang dẫn dắt tuyển Indonesia, gặp lại tôi, ông vẫn tâm sự về ý định sẽ sống những năm cuối đời tại Việt Nam – nơi ông đã xem như “quê hương thứ 2” của mình. Nhưng tôi biết, một phần mong muốn ấy đến từ chính người bạn đời của ông – bà Jolanda, người từng bộc bạch về tình yêu đặc biệt mà bà dành cho Hà Nội.
Và, tôi vẫn nhớ lắm những giọt nước mắt của ông khi bất ngờ được gặp lại người Việt Nam đã hiến tặng mình quả thận trong một chương trình của truyền hình Indonesia năm 2011.
Năm 2015, khi báo giới Indonesia rộ tin “HLV Riedl qua đời ở tuổi 66” (sau đó nhiều trang tin và báo của Việt Nam đăng lại), tôi đã gọi ngay sang Áo và nghe giọng quen thuộc ở đầu dây bên kia: “Ôi trời, người ta bảo tôi chết rồi ư? Anh hãy giúp tôi nói rõ là tôi vẫn khỏe, quả thận Việt Nam vẫn làm việc tốt, tuy không làm bóng đá nữa, nhưng chơi golf rất đều đặn hàng tuần”.
Ai ngờ năm 2016, ông lại thêm 1 lần bước vào cuộc phiêu lưu mới với ĐTQG Indonesia, và cùng đội này giành thêm 1 ngôi á quân nữa...
Riedl qua đời ở tuổi 71, 13 năm 6 tháng sau khi ông thực hiện ca ghép thận tại Wien vào tháng 3/2007. Số phận trớ trêu khiến ý định được sống những năm cuối đời của ông ở Việt Nam đã không thể thành hiện thực.
Với hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói chung, và với những người làm bóng đá nước nhà nói riêng, Alfred Riedl thật sự đã trở thành một người bạn lớn.
Cầu mong linh hồn ông an nghỉ nơi chốn vĩnh hằng!
Nhà báo Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập - Tạp chí Thể thao (Tổng cục TDTT). Trước đây nhà báo Hữu Bình từng có thời gian rất dài làm việc tại báo Thể thao TP.HCM và anh là một trong số ít phóng viên Việt Nam có quan hệ gần gũi như bạn bè với HLV Alfred Riedl cũng như cựu GĐKT Rainer Willfeld. |
Hữu Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất