24/10/2015 13:43 GMT+7 | Bóng đá Italy
(Thethaovanhoa.vn) - Khi Fiorentina trở lại tập luyện trước mùa giải 2013-14, phóng viên đã hỏi HLV Vincenzo Montella về Adam Ljajic. Ông trầm ngâm “Tôi thấy Adam Ljajic như thế nào á? Hơi béo”. Một tháng sau, ngôi sao trẻ người Serbia đến AS Roma với giá 11 triệu euro (có thể lên 15).
Đó là cái giá khá cao, nhưng xứng đáng với tài năng của Ljajic, người đã ghi 11 bàn và có 7 đường kiến tạo ở Serie A mùa 2012-13. Nhưng không phải chỉ vì tiền bạc mà Montella đẩy tiền vệ 21 tuổi này đi. Ông không phải người đầu tiên và có lẽ chẳng phải người cuối cùng chỉ trích Ljajic về thái độ. Người tiền nhiệm của Montella là Delio Rossi từng tung nắm đấm vào mặt Ljajic vì sự bất kính khi bị thay ra. Sinisa Mihajlovic từng đuổi thẳng cổ Ljajic khỏi đội tuyển Serbia vì không chịu hát quốc ca mà còn biện bạch rằng đó là “lý do cá nhân”.
Từ đầu mùa, Ljajic chỉ đá vỏn vẹn 2 trận, và không tạo được bất kỳ dấu ấn nào. Đó là một nỗi thất vọng lớn với người được kỳ vọng là một trequartista đầy sáng tạo của Inter Milan. Nerazzurri mùa này chơi thiên nhiều về thể lực, và tương đối chậm chạp. Về lý thuyết, Ljajic là câu trả lời cho những vấn đề của họ.
Thật ra, Ljajic đã thi đấu không thành công ở Roma. Nhưng Inter vẫn quyết định mượn anh với mức phí 2 triệu euro kèm theo điều khoản mua đứt 9 triệu euro vào Hè năm 2016. Lý do: Họ muốn tái lập bộ đôi Jovetic-Ljajic, những người từng hủy diệt Inter 4-1 hồi tháng 2/2013 bằng 2 cú đúp.
Năm ngoái, Ljajic nói với Corriere Dello Sport rằng anh thích ở lại Roma, rằng cạnh tranh vị trí là tốt cho đội bóng, và mục tiêu của anh là vị trí chính thức. Nhưng trong 32 trận đã chơi, chỉ có 7 trận anh đá trọn 90 phút, và bị thay ra đến 16 lần. Và sau đó, anh ra đi. Bất chấp những dấu hiệu cảnh báo về sự sa sút cũng như thái độ của Ljajic, HLV Roberto Mancini vẫn quyết định đưa anh về Milan. Điều gì đến, đã phải đến, thậm chí sớm hơn dự tính.
Việc anh chỉ đá 5 phút ở trận gặp Sampdoria, sau khi vào sân ở phút 89, là một hình phạt. Ở trận ấy, HLV Mancini đã bảo Jonathan Biabiany, Rey Manaj và Ljajic ra khởi động để thay người. Nhưng sau khi thấy hai cầu thủ kia được vào (phút 63 và 71) mà mình thì chưa, Ljajic không thèm khởi động nữa. Thay vào đó, anh chạy ra “buôn chuyện” với Marcelo Brozovic. Mancini tất nhiên không thể hài lòng. Theo Corriere dello Sport, Mancini đã bực mình với Ljajic từ trước đó, khi anh chểnh mảng trong tập luyện.
Nhưng ở đội tuyển Serbia hiện tại là một Ljajic hoàn toàn khác: mạnh mẽ, chăm chỉ và sáng tạo hơn. Khác với Mihajlovic, tân HLV Ljubinko Drulovic thì không quá khắt khe với chuyện phải hát quốc ca, và tháng 2/2014, Ljajic được gọi trở lại ĐTQG. Từ đầu năm, anh đã ghi 3 bàn trong màu áo Serbia, gần nhất là ở chiến thắng 2-0 trên sân Albania tại vòng loại EURO 2016.
Phải chăng đó là một thông điệp dành cho Inter? “Đúng, tôi hy vọng họ thấy những gì tôi đã thể hiện”, Ljajic quả quyết trên La Gazzetta dello Sport, “Ở đội tuyển Serbia, tôi chơi ở ngay phía sau trung phong cắm, trong khi ở Inter, tôi bị cạnh tranh rất nhiều. Nhưng tôi chắc chắn sẽ cố hết sức để được đá với Juventus vào Chủ nhật này”. Kết quả? Chủ nhật ấy, Ljajic thậm chí còn không có tên trong danh sách dự bị vì “một chấn thương nhẹ”.
Viễn cảnh bộ tứ Mauro Icardi, Ivan Perisic, Jovetic và Ljajic trên hàng công Inter Milan rõ ràng là ấn tượng hơn nhiều so với mùa trước khi Icardi quá cô đơn. Nhưng với cá nhân Ljajic thì không. Anh vẫn mắc phải những sai lầm quá khứ và đang tự tay hủy hoại sự nghiệp của mình.
Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất