02/09/2019 08:07 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 là bản Tuyên ngôn dựng nước của dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Nó thấm đượm các giá trị nhân văn của thời đại mới, bởi sự đề cao các giá trị dân chủ, tự do, công bằng và bình đẳng xã hội. Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(1).
Đó cũng là lời hịch truyền gửi đến muôn đời con cháu mai sau với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng đồ sộ với hàng loạt tác phẩm có giá trị. Trong đó, Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Người.
Ra đời đã hơn 70 năm, nhưng Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế. Với dung lượng 1.017 từ, Tuyên ngôn Độc lập đã nêu lên những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; đồng thời lên án đanh thép tội ác của chế độ thực dân, chủ nghĩa phát xít ở Việt Nam, từ đó khẳng định lẽ phải và chính nghĩa của dân tộc Việt Nam về quyền được hưởng tự do và độc lập.
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm năm 1791. Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc. "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (2). Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Và việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc là một sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột khác trên thế giới. Đây cũng là cống hiến về nguyên lý lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.
Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vang lên giữa Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 là kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ, gian khó nhưng cũng hết sức sáng tạo của cách mạng Việt Nam, đỉnh cao là cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử cách đây hơn 70 năm. Và Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện tài năng kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh những giá trị tư tưởng, tầm nhìn thiên tài của Người đối với tiến trình phát triển đi lên, đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như sự kiên định vì độc lập và tự do của đất nước.
Văn bản pháp lý hiện đại
Với lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một áng thiên cổ hùng văn tiếp nối liền mạch với các áng thiên cổ hùng văn trước đó của ông cha ta với những âm hưởng hào sảng của Lý Thường Kiệt trong “Nam quốc sơn hà” và trí tuệ, nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”.
Đây là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén với giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Hơn thế nữa Tuyên ngôn Độc lập còn đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Đồng thời, thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới, có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại.
Bản Tuyên ngôn còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.
Giá trị trường tồn
74 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc. Với tinh thần đó, cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã vượt qua mọi khóa khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. Cùng với đó, tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam dần được cải thiện, hiện đang thuộc nhóm trung bình cao và đứng thứ 116/189 quốc gia (năm 2017); mức sống chung của người dân từng bước được nâng lên...
Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ...
Và thấm nhuần tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí: "Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân tiếp tục và kiên trì đường lối, chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình và hữu nghị với các nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Hơn 70 năm đã qua, nhưng mỗi câu chữ trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn đầy sức sống. Khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam vẫn luôn cháy bỏng, tuôn trào từ ngàn đời đến nay và chắc chắn sẽ còn mãi về sau.
TTXVN
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4 tr.480
(2): Sđd, t3, tr. 555.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất