70 năm giải phóng trại Auschwitz: Gặp người phụ nữ trở về từ cõi chết

25/01/2015 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Marta Wise đã rất yếu khi nghe thấy tiếng chân của những người lính hành quân về phía trại tập trung Auschwitz. Cô bé 10 tuổi, người Do Thái gốc Slovakia này, tin rằng lính phát xít Đức đang trở lại để giết mình.

Tuy nhiên khi thấy nhiều ngôi sao đỏ trên các bộ quân phục, Wise nhận ra rằng họ là lính Nga. Tới đây cơn ác mộng đã kết thúc và cô bé đã được giải phóng.

Biểu tượng của nạn Diệt chủng Do Thái

Hơn 1 triệu người Do Thái đã bỏ mạng tại Auschwitz, trại tập trung khét tiếng của phát xít Đức. Nhưng trong ngày 27/1/1945 lịch sử đó, chỉ còn vài ngàn tù nhân ốm yếu nằm lại trong trại, gồm Wise. Giờ đây, gần 70 năm sau thời điểm trên, khi thế giới đang kỷ niệm Ngày tưởng nhớ thảm họa Diệt chủng Do Thái, Wise là một trong số ít người sống sót đã thực sự trải qua những ngày cuối ở Auschwitz.

Một người lính Nga tới giải phóng Auschwitz đã chụp được bức ảnh về khoảng một chục đứa trẻ mặc quần áo rách rưới đứng ở trại - hình ảnh về sau trở thành một trong các biểu tượng, cho thấy rõ nhất thảm họa Diệt chủng Do Thái. Trong số này có Wise, khi ấy chỉ nặng có 17kg. Đứng cạnh Wise là chị gái Eva, với má tóp lại trên gương mặt chỉ còn da bọc xương, khiến người ta tưởng như cô bé sắp chết tới nơi.

"Việc tôi và chị gái cùng sống sót thật ngoài sức tưởng tượng" - Wise, giờ 80 tuổi và sống ở Jerusalem, chia sẻ với hãng tin AP - "Với tôi, 27/1 là ngày sinh thứ 2, bởi đó là khi chúng tôi được trao cho cơ hội sống trở lại".


Marta Wise cầm bức ảnh một người lính Nga chụp bà và các bạn vào ngày giải phóng trại Auschwitz

Hơn bất kỳ địa điểm nào khác, Auschwitz là hình ảnh đại diện cho nỗi kinh hoàng của thảm họa Diệt chủng Do Thái, trong đó 6 triệu người Do Thái đã bị phát xít Đức và đồng bọn sát hại một cách hệ thống. Tên của trại này đã đồng hành với chính sách diệt chủng Do Thái của phát xít Đức, trong một kế hoạch có cái tên rất kêu là "Giải pháp cuối cùng".

Bên cạnh 1,1 triệu người Do Thái, hơn 100.000 tù binh chiến tranh, người Ba Lan, người di gan và các tộc người thiểu số khác cũng đã chết tại trại Auschwitz và trại Birkenau nằm gần đó. Họ chết vì đói, bệnh tật, lao động cưỡng bức hoặc bị sát hại trong các phòng hơi ngạt, lò thiêu.

Các trại tập trung này là những địa điểm tai tiếng nhất trong một hệ thống trại mà phát xít Đức đã xây dựng và điều hành trên đất Ba Lan, nơi vào giai đoạn trước chiến tranh có lượng dân Do Thái lớn nhất châu Âu. Chúng nằm ở trung tâm một mạng đường sắt đã cho phép phát xít Đức dễ dàng vận chuyển người Do Thái từ những nơi khác ở châu Âu tới đây.

Từng chạm trán bác sĩ tử thần

Wise và chị gái bà tới Auschwitz vào tháng 11/1944, khi các hoạt động trong trại đã giảm dần. Wise, người có mái tóc màu vàng và mắt xanh, đã giả dạng thành dân Aryan thuần chủng và sống bằng giấy tờ giả cho tới khi bị bắt trong sinh nhật thứ 10. Bà lập tức bị đưa tới trại tập trung Sered ở Slovakia. Vài tuần sau đó, bà được đưa tới Auschwitz, bị xăm số A-27202 trên tay.

Tại đây, Wise và chị gái bà bị đưa vào khu vực thử nghiệm y học của bác sĩ phát xít Đức Josef Mengele, kẻ có biệt danh Thiên thần chết chóc. Bà và chị gái là mục tiêu để Mengele tra tấn, bên cạnh các cặp sinh đôi và cặp người lùn khác.

Bà nói rằng các nạn nhân thường nhận nhiều mũi tiêm từ Mengele khiến họ ngất xỉu ngay lập tức hoặc quằn quại vì đau. Bởi Wise có mắt xanh, bà đã không phải trải qua thí nghiệm tàn bạo của Mengele nhằm đổi màu mắt đen của người Do Thái và người di gan sang màu xanh Aryan. Bà nói rằng trong thí nghiệm, những người may mắn thường chết ngay lập tức. Số còn lại sẽ bị mù và chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp.

"Chúng tôi không biết Mengele tiêm những gì, bởi gã đã đào tẩu trước khi những người Nga tới. Gã cũng mang theo các tài liệu, ghi chú được gọi là "thử nghiệm y học" - Wise kể - "Gã là một con quỷ. Khi gã nở nụ cười, bạn biết gã là kẻ độc ác nhất và sẽ làm trò gì đó vô cùng ác độc".

Wise kể rằng với việc người Nga tiếp cận nhanh, Auschwitz đã trở nên hỗn loạn trong 10 ngày cuối cùng. Những người lính Đức đến rồi đi khỏi trại. Cuối cùng, chúng bỏ rơi Auschwitz hoàn toàn, khi tiến về phía Tây trong điều kiện thời tiết lạnh giá, cùng tất cả những người vẫn còn đi được. Trong hành trình ấy, bất kỳ ai ngã xuống tuyết hoặc dừng lại để nghỉ đều bị bắn chết tại chỗ. Do chị gái bị lao phổi, thương hàn và bệnh lỵ, Wise đã ở lại để chăm sóc chị cùng những người ốm yếu. Đây có thể là quyết định đã cứu mạng sống của bà.

"May mắn khi còn sống sót"

Trước khi những gã phát xít cuối cùng rời đi, Wise nói rằng chúng đã đưa bà và những người còn lại vào một khu nhà, khóa lại rồi châm lửa đốt. May mắn thay, trời đổ mưa và bà thoát chết.

Bà nói rằng những người lính Nga giải cứu mình đã rất tử tế và còn chia sẻ khẩu phần ăn ít ỏi của họ với bà. "Một người lính Nga đưa cho tôi chai vodka" - bà kể và mỉm cười - "Đó là tất cả những gì anh ấy có".

Sau chiến tranh, Wise cùng chị về Bratislava và đoàn tụ một cách thần kỳ với cha mẹ và gần hết trong số 9 anh em. Chỉ có một người em của bà là Judith đã chết tại Auschwitz. Năm 1948, bà di cư tới Australia, kết hôn và có 3 con.

Sau này bà tới Israel và làm tình nguyện viên ở khu tưởng niệm Diệt chủng Do Thái Yad Vashem và dành thời gian sống cùng 16 đứa chắt. Trong ngày 27/1/2005, bà từng chụp ảnh cùng 6 người sống sót khác, đã xuất hiện trong bức ảnh mà người lính Nga giải phóng trại Auschwitz chụp lại.

"Thật là một phép lạ. Tôi thấy mình rất may mắn khi còn sống sót. Nhưng vì sao tôi sống sót trong khi những người khác chẳng may mắn được thế thì tôi không biết. Tôi chẳng phải Thượng đế" - bà nói.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm