70 năm 'Đề cương Văn hóa Việt Nam': Động lực và mục tiêu của sự phát triển

19/09/2013 13:00 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - “Rất dễ hiểu, một bản đề cương được viết ra trong hoàn cảnh ít ỏi về thông tin và đặt trước bối cảnh thời sự dồn dập, nóng bỏng thì khó tránh khỏi những hạn chế. Nhưng chắc chắn, hồn cốt của nó vẫn có sức sống lâu dài” - Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN nhận xét.

Do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, cuộc Hội thảo khoa học 70 năm đề cương Văn hóa Việt Nam diễn ra sáng 18/9 tại Hà Nội, với sự tham gia của khá nhiều nhà nghiên cứu văn hóa.

1. Ra đời năm 1943, bản Đề cương Văn hóa Việt Nam chỉ có hơn 3.000 chữ, được khởi thảo bởi cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Trong đề cương có nhắc tới các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa - những nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa VN trong giai đoạn lịch sử đó.

Dẫn lời một đồng nghiệp chuyên sưu tầm, lưu trữ các tư liệu văn học cũ, nhà văn Đỗ Kim Cuông (Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật VN) kể: Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng được công bố bằng văn bản chính thức lần đầu vào tháng 12/1945 trên tạp chí Tiên Phong số 1 (cơ quan ngôn luận đầu tiên của Hội Văn hóa Cứu quốc). Còn vào năm 1943, theo trí nhớ của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi và nhà văn Tô Hoài (những nhân chứng sống ít ỏi còn lại), tổ chức Đảng đi phổ biến văn kiện về văn hóa nói trên cũng tiến hành theo hình thức tuyên truyền bằng miệng.

Hội thảo khoa học 70 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam
Từ đường lối của bản đề cương, Hội Văn hóa Cứu quốc việt Nam ra đời vào tháng 4/1943 và lập tức thu hút đông đảo những gương mặt văn nghệ sáng giá bấy giờ như Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Kim Lân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Trần Văn Cẩn. Nhà văn Hữu Thỉnh kể: “Nghe Suối mơ, Trương Chi chúng ta tưởng không còn có ai mơ mộng hơn Văn Cao. Ấy thế mà khi tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, ông viết Tiến quân ca, rồi trực tiếp lãnh đạo một nhóm biệt động ám sát những tên tay sai phản động khét tiếng ở Hải Phòng và rất tự hào có thể sử dụng thành thạo súng ngắn cả 2 tay”. Rồi tiếp đến là sự ra đời của hàng loạt sáng tác đặc biệt, trong đó đáng chú ý nhất là kịch bản Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), mượn câu chuyện lịch sử và hình tượng nghệ sĩ để khẳng định thông điệp: nghệ thuật phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân, cho chính nghĩa...

Người nghe tốc ký vào sổ tay, cố ghi lại trong trí nhớ, rồi lại truyền miệng phổ biến cho nhau. Vậy nhưng, bản Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn có sức lan tỏa mãnh liệt, khi đặt trong giai đoạn lịch sử đặc thù: đất nước chưa giành được độc lập, người dân sống một cổ hai tròng (Pháp - Nhật), nạn đói đang hoành hành, Thế chiến II đang nổ ra dữ dội...

2.“Có thể coi Đề cương Văn hóa Việt Nam là sự tiếp tục trong mạch sâu một tiến trình đã diễn ra từ thập niên mở đầu thế kỷ, với công đóng góp của nhiều thế hệ trí thức, từ Nho học sang Tây học” - GS Phong Lê khẳng định - “Và một nền văn hóa mới dần dần hình thành thay cho nền văn hóa cũ, xóa tan không khí bức bối, tù đọng đầu thế kỷ”.

Theo đánh giá chung của các đại biểu tại cuộc tọa đàm, bản Đề cương lịch sử này là một trong những nghị quyết về văn hóa quan trọng của Đảng ít chữ nhất, lý luận cũng rất giản dị, chỉ là sự gợi mở. Nhưng ngược lại, đây lại là một trong những nghị quyết có sức sống lâu bền và giá trị thực tiễn đến kỳ lạ.

“Bài học từ Đề cương Văn hóa Việt Nam đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị. Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, là sự trả lời các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong những tình huống đặc biệt của lịch sử. Và bước vào thế kỷ 21, chúng ta tiếp tục tìm thấy điểm tựa ở Đề cương Văn hóa Việt Nam tinh thần coi trọng văn hóa để hướng tới một thời kỳ phát triển mới: xem văn hóa không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của sự phát triển” - GS Phong Lê nhận xét thêm.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm