6 câu hỏi cần trả lời trước khi kinh doanh quần áo

18/09/2016 07:48 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù các cửa hàng quần áo mọc như nấm sau mưa trên đường phố, thế nhưng, vẫn luôn có cơ hội cho các cửa hàng mới mở. Tuy nhiên, trước khi quyết định dấn thân vào lĩnh vực này, bạn cần biết mình có thực sự phù hợp với nghề không.

Nancy Standforth, giảng viên bộ môn kinh doanh thời trang của Đại học bang Oklahoma, Nhật Bản khẳng định: “Quản lý một cửa hàng quần áo là công việc đòi hỏi bạn phải dành toàn thời gian chứ không chỉ 8 tiếng mỗi ngày”. Điều đó có nghĩa là nếu có ý định làm việc này, bạn cần suy nghĩ hết sức nghiêm túc. Mặc dù các cửa hàng quần áo mọc như nấm sau mưa trên đường phố, thế nhưng, vẫn luôn có cơ hội cho các cửa hàng mới mở.


Để biết mình có sở trường thực sự về thời trang không, bạn hãy trả lời những câu hỏi dưới đây.

Bạn đã biết gì về mảng kinh doanh thời trang?

Bạn đã từng bán hàng cho một cửa hàng kinh doanh quần áo? Bố mẹ, họ hàng của bạn cũng có người làm trong lĩnh vực này?

Tại sao những yếu tố này lại cần thiết, bởi nó sẽ trả lời cho câu hỏi: “Bạn đã biết gì về mảng kinh doanh thời trang”. Và kinh nghiệm dù nhiều hay ít, bằng cách gián tiếp hay trực tiếp thì vẫn sẽ cho bạn những hiểu biết nhất định về ngành nghề này. Nếu không, bạn sẽ phải bắt đầu từ số 0 và cần thời gian để khám phá xem bạn có thực sự thích mảng kinh doanh này hay đơn giản là do thấy người khác làm và mình cũng làm theo.

Bạn đã biết đến những rủi ro cố hữu?

Quần áo dù không thiu, mốc, song có thể bị lạc hậu, lỗi mốt… và khi đó thì chỉ còn cách là bán theo cân để thu hồi chút đỉnh vốn liếng. Hoặc do bất cẩn, bạn nhập về lô hàng với chất lượng khá tệ? Không như kinh doanh hàng ăn, có thể thu hồi vốn ngay trong ngày, buôn bán quần áo có tỷ lệ tồn vốn khá cao? Sẽ có những thời điểm cả ngày chỉ bán được 1 bộ quần áo, thậm chí là không...

Những rủi ro này có thể khiến bao vốn liếng của bạn đi tong. Nói ra vấn đề này không phải để bạn nản chí, mà để bạn có sự đề phòng nhất định với những khó khăn có thể gặp phải khi kinh doanh mặt hàng này. Nếu chưa sẵn sàng với những rủi ro đó, đừng vội bước chân vào ngành này.


Bạn có đặt nhiều niềm tin vào đây?

Tại sao bạn lại muốn kinh doanh thời trang chứ không phải một mặt hàng nào khác? Bạn nhìn thấy những cơ hội phát triển nào? Bạn có thực sự thích thú với công việc này? Nói gì thì nói, đam mê của bạn phải đủ lớn để giúp bạn vượt qua những đợt cao điểm căng thẳng cũng như những giai đoạn ế ẩm. Nó giống như một cuộc hôn nhân: khi khó khăn, căng thẳng, bạn phải nghĩ đến lý do tại sao trước kia mình lại nhận lời lấy người ta để làm động lực phấn đấu.

Nơi bạn định mở cửa hàng có nhiều shop bán quần áo không?

Đừng nghĩ rằng những nơi đông đúc như thế là bất lợi, bởi như các cụ đã nói, buôn có bạn, bán có phường nên nếu con phố đó chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang thì đó cũng là một lợi thế. Tuy nhiên, lợi thế này chỉ được phát huy khi bạn tìm ra điểm mạnh, điểm khác biệt của cửa hàng bạn với những cửa hàng khác. Nếu không có sự khác biệt, phần thua bạn đã nắm chắc trong tay rồi.

Và khi đó, tốt nhất là nên chọn mở cửa hàng ở những nơi ít cửa hàng quần áo. Tuy nhiên, việc này cũng có rủi ro, đó là, khách hàng chỉ muốn mua sắm ở những nơi trung tâm.


Bạn có thể chuyên về một mặt hàng/dòng sản phẩm không?

Bạn có thể tung ra mặt hàng/dòng sản phẩm chuyên biệt nào đó mà nơi bạn định kinh doanh chưa? Nó có thể là thời trang đi biển, thời trang size lớn sành điệu hay đồ bằng da/trang sức nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn.

Đi sâu hay chuyên về mặt hàng/dịch vụ nào đó là điều tối quan trọng trong kinh doanh. Và nhiều khi, chỉ cần một chút tinh ý là bạn có thể làm được thế, kiểu như “không nhập quần soóc kaki nếu trong vòng bán kính 10 km quanh chỗ mình có cửa hàng Gap”.

Bạn có lợi thế cạnh tranh không?

Tất cả chỉ gói gọi trong một từ "marketing". Thời điểm này, hãy áp dụng điều mà nhiều người trong ngành thời trang đã đúc kết: “Ngày nay đối thủ của của chúng ta không phải là cửa hàng gần kế bên mà là những siêu thị, những trung tâm thương mại. Tất cả những gì chúng ta bán khách hàng đều có thể tìm thấy ở đó. Do đó, chúng ta phải tìm cách tạo ra sự khác biệt cho mình. Hãy để ý đến loại hình dân cư nơi bạn kinh doanh, tới vị trí và sự thuận tiện, tới các phong cách ăn mặc trong phim ảnh, truyền hình và ngoài đường phố”.

Nguyễn Anh Dũng
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm