20/01/2023 19:10 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Người ta bảo "vui như Tết" nhưng Hương không thấy vui khi lá dong chờ rửa, gạo đỗ chờ đãi và 5kg hướng dương chờ rang...
Chị Hương từ ngày lấy anh Hải không có điều gì phàn nàn về nhà chồng, hay mẹ chồng. Thậm chí chị còn cảm thấy may mắn vì có mẹ chồng thương dâu như con đẻ. Duy chỉ có một điều duy nhất chị không vui là mẹ chồng ăn Tết quá cầu toàn.
Bố chồng mất sớm, mẹ chồng chị Hương nuôi con tần tảo. Cái gì bà cũng nghĩ cho con cháu, bà hiền lành và nhân từ ai cũng thấy. Có lúc chồng chị cũng nặng lời với mẹ vì bà ôm đồm nhiều việc nhà quá. Chị lại là người nhắc chồng, chị cũng nhắc luôn mẹ chồng: "Mẹ đừng hiền quá, không đến con mẹ cũng bắt nạt mẹ. Việc trong nhà mẹ cũng giao cho anh ấy làm bớt, mẹ đừng ôm cả. Mẹ không có nghĩa vụ phải chăm sóc anh ấy cả đời". Nghe thế, bà chỉ cười hiền.
Như một thói quen, Tết nào bà cũng chuẩn bị Tết một cách chu đáo, cầu toàn. Thế nhưng chị Hương thì nghĩ khác, ăn Tết "xuề xòa" hơn để vui thì tốt hơn. Cả năm đi làm vất vả, Tết chỉ muốn được nghỉ ngơi mà mẹ chồng thì muốn đợi nàng dâu về để cùng lo Tết. Cách sắm Tết của bà tỉ mẩn từ việc chọn gạo ngon, lá dong xanh... nên mất khá nhiều thời gian.
Năm nào 28 Tết vợ chồng sấp ngửa về quê là lá dong gói bánh bà đã mua sẵn, đỗ gạo cũng chờ được đãi, hướng dương bà mua 5kg rửa sạch chờ nàng dâu rang bếp củi…
2 năm đầu Hương cũng chiều bà mà lao vào làm, đến lúc ngẩng được mặt lên là đã đến Giao thừa. Loanh quanh 2 ngày cơm cúng 3 bữa nữa là hết Tết. Tết với Hương chỉ đến khi trở về nhà riêng của mình. Mâm cỗ cúng đầu năm được làm nhanh, cả nhà ngồi thưởng tiệc rồi pha ấm trà, đốt hương trầm, cùng nghe một bản nhạc hoặc xem một bộ phim.
Đến năm thứ ba Hương quyết định vùng lên, cuộc đời làm dâu còn dài, cô không thể chịu đựng mãi những cái Tết trôi qua ngập trong bếp. Hương biết mẹ chồng chỉ có ý tốt muốn các đồ nhà làm cho sạch sẽ, chu toàn nhưng cuối cùng vì sự cầu toàn ấy mà nhiều người phụ nữ… mất Tết.
Năm đó, trước khi về nhà Hương nói với chồng sẽ làm 1 cuộc cách mạng. Ngày 23 cô gọi điện cho bà nói không phải chuẩn bị Tết gì vì năm nay nhà cô sẽ sắm Tết "mẹ lớn tuổi rồi cứ nghỉ ngơi để chúng con lo".
Cô mua luôn bánh chưng, hướng dương rang sẵn, giò, nem cuốn sẵn… xách về. Mặc dù đã nói trước nhưng về nhà vẫn đập vào mắt Hương là lá dong để sẵn, đỗ gạo thịt trong nhà, hướng dương đợi rang… Hương nhất quyết không làm gì.
Năm đó, mẹ chồng có vẻ không vui, nhưng Hương cũng đấu tranh bằng cách không động tay vào. Việc của cô là ra chợ mua hoa về cắm, dọn dẹp trang hoàng lại nhà cửa.
Chỉ mất năm đầu cho những điều không ăn khớp do mẹ chồng cố hữu muốn một cái Tết truyền thống, còn nàng dâu muốn một cái Tết thảnh thơi.
Năm sau, lúc chẳng phải bận bịu tay chân, có thể ngồi thảnh thơi uống trà ngắm hoa bà đã nở nụ cười "Thế mà bao năm mẹ cứ nghĩ Tết là phải bận rộn như kia mới đúng. Giờ thấy cái Tết nhàn nhã này cũng không tệ".
Như vậy, Hương đã đấu tranh thành công, không chỉ cho chính mình mà còn cho mẹ chồng nữa. Cô bắt đầu được hưởng những cái Tết thực sự thảnh thơi.
Người ta cứ lo rằng Tết truyền thống đang bị mai một đi khi giới trẻ thích nhàn nhã mà bỏ qua những điều thân thuộc của Tết xưa như gói bánh chưng, như tỉ mỉ làm từng món ăn truyền thống, nhưng rõ ràng điều quan trọng cuối cùng Tết vẫn phải vui trước nhất.
Hương cũng chưa từng bài xích những người vẫn thích giữ nếp cũ. Có những người nhiều thời gian hơn người ta tìm thấy hạnh phúc trong việc tỉ mẩn tỉa từng bông hoa, gói từng chiếc bánh chưng và làm cho từng đồ đạc nhà mình trở nên sáng bóng lên. Cô tôn trọng quan điểm cá nhân và sở thích riêng của mỗi người, chỉ cá nhân cô không chọn cách này.
Hương chọn cái Tết nhàn nhã, thảnh thơi làm niềm vui vì cả năm đã bận rộn và muốn có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, cả gia đình ngồi bên nhau hàn huyên vào dịp Tết.
Nhờ thảnh thơi dịp Tết mà câu "vui như Tết" còn nguyên giá trị. Hương tin chẳng có giá trị truyền thống nào bị mất đi. Con cái vẫn hiếu lễ với cha mẹ, cả gia đình quây quần sum vầy và biết yêu thương nhau mới là điều quan trọng.
Một lần đóng vai "dâu hư" để giải phóng cho chính mình, giải phóng cho cả mẹ chồng một đời nghĩ Tết phải chỉn chu để lấy chữ "vui" cho Tết. Cô cho rằng nó xứng đáng!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất