50 năm thống nhất đất nước: Văn học nghệ thuật - "binh chủng đặc biệt" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

08/04/2025 11:04 GMT+7 | Văn hoá

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, văn học nghệ thuật - một “binh chủng đặc biệt” đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Văn học nghệ lúc này trở thành một “mặt trận” với những văn nghệ sĩ là chiến sĩ xung kích trên trận địa ấy, là biểu hiện rực rỡ của tinh thần yêu nước, chí khí bất khuất của con người Việt Nam luôn sẵn sàng vì Tổ quốc thân yêu.

“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”

Sinh thời, trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (1). Người khẳng định rõ vai trò xung kích của văn hóa trong sứ mệnh giải phóng dân tộc.

Thực tế đã chứng minh, thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ không chỉ là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước và những giá trị tinh thần cao đẹp của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Tự nguyện trở thành một bộ phận của nhân dân chiến đấu, các nhà hoạt động văn hóa, các văn nghệ sĩ đã trở thành những chiến sĩ thực thụ, dùng văn hóa, nghệ thuật làm vũ khí đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, cho những lý tưởng cao đẹp của nhân dân.

Với lòng yêu nước nồng nàn, ý thức trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ-chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã có mặt ở những chiến trường. Họ cùng cả nước hành quân ra trận với khí thế: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai!” (Tố Hữu). Họ tự nguyện dấn thân trong khói lửa chiến tranh, đồng hành cùng quân và dân trong đội hình đánh giặc: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu).

Có thể khẳng định, chưa bao giờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng được khơi dậy một cách mãnh liệt như trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cả hai miền, lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ đã “khoác ba lô” đi chiến trường, thâm nhập vào cuộc sống sôi động dựng xây trên khắp các nẻo đường Tổ quốc.

50 năm thống nhất đất nước: Văn học nghệ thuật - "binh chủng đặc biệt" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Ảnh 1.

Nguồn: Internet

Văn học: “sức mạnh của một sư đoàn” 

Có thể khẳng định, chưa bao giờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng được khơi dậy một cách mãnh liệt như trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cả hai miền, lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ đã “khoác ba lô” đi chiến trường, thâm nhập vào cuộc sống sôi động dựng xây trên khắp các nẻo đường Tổ quốc.

Họ với tâm thế: “Còn gì đẹp hơn lòng lạc quan và ý chí sắt đá này của những con người trẻ tuổi khi Tổ quốc lâm nguy: "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/… nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc" (Thanh Thảo). Họ đi với một quyết tâm: “Cái gì mọi người vượt qua được thì mình đều có thể vượt qua được. Phải lao vào cuộc sống với một tinh thần như thế. Và mình nghĩ: Khi sức sống đã dồi dào, có lẽ chả có sức mạnh độc ác nào vùi dập nổi sự vươn lên... Những chồi non mạnh khỏe không hề biết sợ... Đáng sợ nhất là lòng ta nguội lạnh, chính ta tự hủy nhựa sống trong ta. Còn nếu ta vẫn còn nguyên vẹn nhiệt tình và sức sống thì không một thế lực nào, một sự tàn phá nào, một khó khăn nào khiến ta chùn bước, khiến ta gục ngã” (Chu Cẩm Phong). Họ đi bởi “thế hệ chúng tôi còn có sự lựa chọn nào khác hơn là chọn niềm vui trong sự dấn thân vì đại nghĩa của dân tộc và con người?” (Dương Thị Xuân Quý-Nhật ký, tác phẩm).

Với tinh thần đó, những sáng tác văn học thời kỳ này là nguồn cổ vũ lớn cho cả tiền tuyến và hậu phương, nó có “sức mạnh của một sư đoàn” (Phạm Tiến Duật).

Từ văn xuôi đến thơ, kịch đều mở rộng phạm vi miêu tả, phản ánh chuyển biến của từng giai đoạn chiến đấu; của đời sống gian lao mà anh dũng, kiên cường của nhân dân miền Nam.

Những sáng tác về tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi những điển hình, người anh hùng, về khát vọng thống nhất… đã trở thành đề tài xuyên suốt trong thơ của nhiều nhà thơ: Giang Nam với Tháng Tám ngày mai, Quê hương; Nguyễn Khoa Điềm với trường ca Mặt đường khát vọng; Thu Bồn với trường ca Bài ca chim Chơ rao; Phạm Tiến Duật với Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Lê Anh Xuân với Hoa dừa; Xuân Quỳnh với Hoa dọc chiến hào, Gió Lào cát trắng...

Cũng vẫn cảm cảm hứng đó, trong văn xuôi là các tác phẩm: Sống như Anh (Trần Đình Vân); Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Hòn đất (Anh Đức), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Mẫn và tôi, Gia đình má Bảy (Phan Tứ), Miền cháy, Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu); Người hậu phương, Đất làng (Nguyễn Thị Ngọc Tú)… Về kịch có: Lưu Trọng Lư với Tuổi 20; Tào Mạt với Trong phòng trực chiến; Thiết Vũ với Mầm xanh, tội ác; Tất Đạt với Một vùng trời...

Không ít tác phẩm khắc họa những chân dung tập thể, những đội ngũ quần chúng cách mạng như: Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Hồ Phương); Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)... Đặc biệt, nhiều nhân vật văn học đã trở thành điển hình cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như: Anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi, chị Tư Hậu, chị Út Tịch...

Những sáng tác ra đời trong bom đạn có máu, có nước mắt, có nỗi đau mất mát, nhưng luôn sáng lên những giai điệu hào sảng: "Thế là đã bắt đầu rồi. Đốt lửa lên!... Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn, suốt đêm nghe cả rừng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng" (“Rừng xà nu”-Nguyễn Trung Thành); "Chúng con đi từng trận gió rừng/ Cả thế hệ xoay trần đánh giặc" (“Những người đi tới biển” - Thanh Thảo)…

Trong đoàn quân từ miền Bắc vào Nam chiến đấu, có một thế hệ “tài hoa ra trận”, như: nhà báo Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Chu Cẩm Phong, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người sinh viên Nguyễn Văn Thạc... - những con người mà số phận của họ đã góp phần làm nên những hồi ức thăng hoa của lịch sử đất nước.

Cống hiến của họ cho sự nghiệp chung của đất nước không chỉ được ghi nhận qua sáng tác, mà rất nhiều trong số họ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và hy sinh. Những đóng góp ấy đã đưa “văn học, nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (2).

50 năm thống nhất đất nước: Văn học nghệ thuật - "binh chủng đặc biệt" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Ảnh 2.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nguồn: Vietnam+

Điện ảnh đồng hành cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước

Cũng như văn học, điện ảnh cách mạng cũng dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến; bám sát và phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong trong cuộc chiến tranh ác liệt nhất trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc.

Âm hưởng chung của các tác phẩm điện ảnh cách mạng về chiến tranh là nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tiến công địch, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Các tác phẩm phim truyện đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, như là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm. Có thể kể tới các phim: Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Lá cờ chuẩn, Nổi gió, Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ…; có những phim mang đậm chất sử thi anh hùng ca như: Giải phóng Sài Gòn, Tiếng cồng định mệnh…Các phim tài liệu-thời sự có: Ðầu sóng ngọn gió, Lũy thép Vĩnh Linh, Những người săn thú trên núi Ðắc Sao, Những người dân quê tôi, Du kích Củ Chi, Chiến thắng Khâm Đức, Đội nữ pháo binh Long An, Chiến thắng đường 9 Nam Lào… Trong đó, nhiều bộ phim được giải thưởng quốc tế: Đầu sóng ngọn gió (1966, giải chính thức Liên hoan phim quốc tế Moscow 1967), Trận địa mặt đường (1970), Lũy thép Vĩnh Linh (giải chính thức Liên hoan phim quốc tế Moscow 1971)...

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các văn nghệ sĩ ngành điện ảnh ở miền Bắc là những người làm văn nghệ có mặt sớm nhất trong những cánh quân chiếm giữ Dinh Ðộc Lập vào ngày 30/4/1975, thực hiện nhiều bộ phim có giá trị, như: Thành phố lúc rạng đông, Ðường tới thành phố, Những bước đường thắng lợi, Sài Gòn tháng 5/1975, Qua cầu Công Lý, Sài Gòn vui chiến thắng...

Để có ngày đất nước ca khúc khải hoàn, đã có gần 300 cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh đã hy sinh trên khắp các nẻo đường của đất nước, trên mọi trận tuyến đánh quân thù.

Âm nhạc: "tiếng hát át tiếng bom"

Có lẽ, không một quốc gia nào trên thế giới có một thứ vũ khí bảo vệ Tổ quốc độc đáo như ở Việt Nam. Thứ vũ khí ấy mỗi khi được cất lên là tạo nên một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, lấn át mọi vũ khí hủy diệt, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù. Đó chính là những bài ca, là Hát cho đồng bào tôi nghe, là Tiếng hát át tiếng bom trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hàng loạt bài hát hừng hực khí thế chiến đấu, kêu gọi hoà bình, thúc giục đấu tranh giành tự do, công lý, của các tác giả Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Ngô Sĩ Hiển, Hoàng Vân, Phạm Tuyên… ra đời đã mở đầu cho thời kỳ âm nhạc kháng chiến.

Những bài hát, như: Thanh niên ba sẵn sàng (Lưu Hữu Phước), Giặc đến nhà ta đánh, Trai anh hùng gái đảm đang (nhạc sĩ Đỗ Nhuận), Đánh đích đáng (Ngô Sĩ Hiền), Từng bước đi vững chắc (Văn Chung), Phải giết là lũ giặc Mỹ (Trọng Loan)... đã trở thành bản hoà tấu vĩ đại, tạo nên dàn âm thanh hào sảng, có sức cổ vũ, động viên to lớn lao tới tất cả mọi người. Lúc này, âm nhạc chỉ hướng tới một tình cảm duy nhất là tình yêu quê hương đất nước, căm thù giặc và quyết chiến quyết thắng. Đó là Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp-Đằng Giao, là Tình ca của Hoàng Hiệp, là Bài ca hy vọng của Văn Ký...

Không khí đấu tranh của sinh viên và giới trẻ càng trở nên sôi động khi xuất hiện những ca khúc với những ca từ thúc giục, khích lệ tinh thần tuổi trẻ: “Dậy mà đi! dậy mà đi!/ Ai chiến thắng không hề chiến bại/ Ai nên khôn không khốn một lần... Đừng tiếc nữa can chi mà khóc mãi/ Dậy mà đi núi sông đang chờ... Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” (Dậy mà đi của Nguyễn Xuân Tân). Hay “Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ/ Ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào/ Dành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/ Dành lại thành phố đó Việt Nam nâng cao hòa bình…” (Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập)...

Những bản hùng ca đầy lãng mạn trên cung đường Trường Sơn huyền thoại mà mỗi tấc đất đều thấm mồ hôi và máu của họ đã “như tình quê hương nâng bước ta đi/ Đường in trong tim anh/ Đường in dấu chân em/ Đường Trường Sơn yêu biết mấy/ Khi tình em cháy trong lòng anh” (Đường Trường Sơn xe anh qua của Văn Dung). Có thể nói, chiến trường càng ác liệt, sự thăng hoa trong tinh thần càng lên cao và mặt trận đã trở thành nơi nuôi dưỡng những tưởng tượng được bay bổng. Chưa bao giờ, sự lãng mạn lại được "cất cánh" từ nơi mà sự sống và cái chết không còn một ranh giới nào mong manh hơn thế.

Cùng với đó là những ca khúc mang âm hưởng hùng tráng, là tiếng ca reo vui tràn đầy niềm tin về Đảng về Bác, về cách mạng, về nhân dân Việt Nam anh hùng, như các ca khúc: Quê tôi giải phóng (Văn Chung), Ca mừng đời ta tươi đẹp (La Thăng), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường), Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Giải phóng miền Nam, Tình Bác sáng đời ta (Lưu Hữu Phước)… Đó còn là tình cảm nhớ thương quê hương, như các ca khúc: Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp-Đằng Giao), Tình ca (Hoàng Việt), Bài ca hy vọng (Văn Ký); Vàm Cỏ Đông; Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường (Trương Quang Lục)...

Nhiều người trong số các nghệ sĩ-chiến sĩ đã để lại xương máu, tuổi xuân, ước mơ của một “thời hoa đỏ” trên những dặm dài Tổ quốc, để “tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 246)

(2): Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, dẫn theo “Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước”, NXB Khoa học xã hội, 1979

Phương Dung/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm