5 câu hỏi 'tố' ông Trump lệnh tấn công Syria bất hợp pháp

10/04/2017 20:14 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Trump đã ra lệnh cho quân đội dội tên lửa hành trình xuống căn cứ không quân của Syria. Vụ tấn công đơn phương không được sự thông qua của Quốc hội Mỹ cũng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã dấy lên những nghi vấn về thẩm quyền pháp lý của quyết định phát động hành động chiến tranh này.

Ông Trump cùng các thành viên cao cấp trong chính quyền coi cuộc tấn công là đòn trừng phạt cho cái mà họ gọi là "Syria vi phạm lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học". 

Tuy nhiên, vụ tấn công đã đặt ra hai vấn đề lớn về pháp lý: một liên quan đến luật pháp quốc tế khi một quốc gia tấn công quốc gia khác mà không được Liên hợp quốc (LHQ) cho phép; một liên quan đến luật pháp Mỹ: ai là người quyết định tấn công  - tổng thống hay Quốc hội – và liệu Mỹ có được quyền tấn công một quốc gia khác khi không phải phòng vệ.


Một chiếc máy bay Syria đậu trong nhà chứa không bị hư hại sau vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến Mỹ hôm 6/4. Ảnh: Thedrive

Ông Trump có thẩm quyền theo luật pháp quốc tế để ra lệnh tấn công Syria?

Không. Hiến chương LHQ, một hiệp ước mà Mỹ đã phê chuẩn, chỉ công nhận hai căn cứ cho phép sử dụng vũ lực nhằm vào lãnh thổ của một quốc gia khác mà không cần sự tán thành của LHQ là: được sự cho phép của Hội đồng Bảo an hoặc hành động phòng vệ. 

Trong trường hợp Syria, Liên hợp quốc đã không phê chuẩn cuộc tấn công, và Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đây là hành động “nhằm ngăn chặn chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa” – đồng nghĩa không phải hành động phòng vệ.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với phóng viên, đã lấy cớ Syria vi phạm Công ước Vũ khí hóa học và một nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an từ năm 2013, khẳng định rằng: “Việc sử dụng những vũ khí hóa học bị cấm, vốn vi phạm một loạt chuẩn mực quốc tế, vi phạm các thỏa ước hiện hành, đã đòi hỏi loại phản ứng đáp trả này, tức là một phản ứng quân sự”.

Nghị quyết được ông Tillerson nhắc đến khẳng định Hội đồng Bảo an sẽ áp đặt “các biện pháp” nếu ai đó sử dụng vũ khí hóa học ở Syria trong tương lai, nhưng văn bản này không đề cập trực tiếp tới lực lượng thực thi. Hiệp ước Cấm sử dụng vũ khí hóa học cũng không cung cấp cơ chế ủy quyền cho một bên nào đó tấn công bên vi phạm để trừng phạt. 

Đó là chưa kể việc xác định thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria ngày 6/4 vẫn còn đang tranh cãi: Trong khi Mỹ và lực lượng nổi dậy Syria đổ trách nhiệm cho lực lượng của Tổng thống Bashar-al-Assad thì chính quyền Syria và Nga đã bác bỏ cáo buộc này với khẳng định quân đội Syria không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học, và thảm kịch xảy ra tại Idlib hôm 4/4 là do không quân Syria đã không kích trúng một kho vũ khí hóa học của lực lượng nổi dậy.


Ông Trump sau khi phát biểu về vụ tấn công Syria tại khu nghỉ dương Mar-a-Lago hôm 7/4. Ảnh: New York Times

Cuộc tấn công mà ông Trump hạ lệnh cũng khác với những cuộc dội bom của Mỹ nhằm vào lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq. Mỹ tuyên bố những cuộc không kích này là nhằm hỗ trợ Iraq phòng vệ chống khủng bố theo đề nghị của chính quyền Baghdad. Với Syria thì khác, quân đội Syria đã không tấn công chống lại Mỹ hay đồng minh Iraq.

Vụ tấn công Syria liệu có thể coi là can thiệp nhân đạo?

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Iran Rouhani cho rằng hành động của Mỹ là không chấp nhận được và vi phạm luật pháp quốc tế. 

Tổng thống Syria Bashar-al-Assad thì tuyên bố: "Syria sẽ đáp trả bằng vũ lực trước bất cứ hành động xâm lược nào hay bất cứ hành động vi phạm giới hạn đỏ nào từ bất cứ ai, và nước Mỹ biết rằng năng lực đáp trả của chúng tôi là rất tốt”.


Tổng thống Nga Putin. Ảnh: ABC News

Theo tờ New York Times, một số nhà hoạt động nhân quyền đã tranh cãi rằng, tập quán quốc tế cũng cho phép sử dụng vũ lực để ngăn chặn một hành động bạo tàn. Trong khi đó những người khác lo ngại rằng, việc chấp nhận học thuyết đó có thể tạo ra một lỗ hổng lớn, dễ dẫn đến sự lạm dụng, làm xói mòn những rào cản quan trọng để ngăn chặn chiến tranh. 

Năm 1999, Mỹ đã tham gia cuộc không kích của NATO xuống Kosovo nhằm ngăn chặn chiến dịch tấn công người thiểu số tại đây dù thiếu sự cho phép của Hội đồng Bảo an. Chính quyền Tổng thống Clinton chưa bao giờ đưa một giải thích rõ ràng nào về căn cứ pháp lý quốc tế cho chiến dịch này. 

Thay vào đó họ viện dẫn một loạt yếu tố như: mối đe dọa với hòa bình, ổn định, nguy cơ khủng hoảng nhân đạo – mà không đưa ra được cơ sở khẳng định tại sao những yếu tố đó lại “hợp pháp hóa” cuộc chiến.

Ông Trump có thẩm quyền pháp lý trong nước để tấn công Syria không?

Câu trả lời còn chưa rõ ràng thậm chí ngay từ nội dung Hiến pháp Mỹ cũng như cách mà đất nước này đã được điều hành trên thực tế. Hầu hết các học giả pháp lý đều đồng ý rằng, các nhà sáng lập nước Mỹ muốn Quốc hội quyết định việc phát động chiến tranh, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp khi đất nước bị tấn công. Nhưng các đời Tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng đều có lịch sử đã phát động các chiến dịch quân sự ở nước ngoài mà không có sự cho phép từ Quốc hội, đặc biệt là kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Mỹ duy trì lực lượng quân đội thường trực lớn, thay vì chỉ huy động khi cần thiết như trước.


Tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu khu trục Mỹ ở Địa Trung Hải nhằm hướng Syria

Trong kỷ nguyên hiện đại, các luật sư về pháp lý tranh cãi rằng, Tổng thống Mỹ - đồng thời là Tổng tư lệnh – có thể đơn phương sử dụng vũ lực quân sự nếu ông quyết định rằng cuộc tấn công đó là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, ít nhất là khi căn nguyên, quy mô và diễn tiến của cuộc tấn công đó chưa đạt đến mức một cuộc “chiến tranh” như ý nghĩa đề cập trong hiến pháp.

Hôm 7/4, ông Trump đã tuyên bố: “Đây là hành động vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ nhằm ngăn chặn, cản trở việc phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học chết người”. Ông cũng viện dẫn cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria và sự bất ổn định đang tiếp diễn tại khu vực.

Tuy nhiên, theo tờ New York Times, ông Jack Goldsmith, giáo sư luật đại học Harvard từng lãnh đạo nhóm cố vấn pháp lý Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Bush "con", cho rằng vụ tấn công theo lệnh Tổng thống Trump dựa trên những tiêu chuẩn “mong manh” hơn về lợi ích quốc gia so với những chiến dịch trước đó.

Ông Trump có vi phạm Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh?

Năm 1973, khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Quốc hội Mỹ đã tìm cách đòi lại một số thẩm quyền đã bị lu mờ bằng cách thông qua Nghị quyết Các Quyền lực Chiến tranh, bỏ qua cả sự phủ quyết của Tổng thống Nixon đối với văn bản này. 

Nghị quyết quy định, Tổng thống chỉ có thế sử dụng vũ lực vào các hoạt động thù địch với sự cho phép của Quốc hội, hoặc trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công. Nhưng, rắc rối là, nghị quyết này cũng yêu cầu tổng thống hủy bỏ việc triển khai quân đội trong vòng 60 ngày nếu như quyết định sử dụng vũ lực thiếu sự cho phép của Quốc hội - có nghĩa là các chiến dịch ngắn ngày hoặc một cuộc tấn công chớp nhoáng được cho phép. 

Sau vụ dội tên lửa hôm 6/4, đã xuất hiện những ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ giới nghị sĩ Mỹ. Thượng nghị sĩ Rand Paul viết trên Twitter: "Tổng thống cần sự cho phép của Quốc hội cho hành động quân sự theo quy định của hiến pháp". 

Nhưng trước đó, Chủ tịch Ủy ban Vũ trang thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain lại giữ quan điểm rằng ông Trump không cần Quốc hội cho phép để tấn công Syria với cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hóa học. Ông McCain viện dẫn chiến dịch không kích chống Libya năm 1986 dưới thời Tổng thống Reagan với lý do Libya liên quan đến vụ đánh bom một vũ trường ở Berlin nơi các quân nhân Mỹ thường lui tới.

Đội ngũ pháp lý của ông Obama nghĩ gì về tính pháp lý của một cuộc tấn công Syria?

Sau khi ông Obama cảnh báo Syria từ năm 2012 rằng sử dụng vũ khí hóa học sẽ là “giới hạn đỏ”, nhóm pháp lý của ông đã xây dựng một bản ghi nhớ dài 17 trang, vạch rõ liệu tổng thống có thẩm quyền pháp lý để ra lệnh tấn công trong trường hợp Syria vượt “giới hạn đỏ”. 

Trong bản ghi nhớ này, nhóm pháp lý đã kêu gọi Tổng thống Obama xin phép Quốc hội trước khi phát động tấn công quân sự - một bước đi mà ông đã không tiến hành vào năm 2011 khi tham gia chiến dịch không kích của NATO nhằm vào Libya.

Khi Syria có hành động bị Mỹ xem là vượt “giới hạn đỏ” vào năm 2013, ông Obama đã nghe theo lời khuyên của nhóm cố vấn pháp lý, ông đã xin Quốc hội trao thẩm quyền tấn công trừng phạt Syria. Tuy nhiên, Quốc hội đã không nhất trí với đề nghị này. 

Cuộc khủng hoảng sau đó được giải quyết với vai trò trung gian của Nga dẫn đến việc Syria đồng ý tham gia Công ước Vũ khí hóa học và từ bỏ kho vũ khí hóa học của nước này.

Theo Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm