Du lịch Cố đô Huế hy vọng 'Mã đáo thành công' trong năm Giáp Ngọ

01/02/2014 20:40 GMT+7 | Thế giới

Biết tin Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa miễn vé tham quan cho mọi người thăm di tích Cố đô Huế trong 3 ngày Tết, anh Phạm Hồng Chiến đến đây từ rất sớm, háo hức được thưởng thức một "cuốc" xe ngựa, với mong muốn "Mã đáo thành công" trong năm Giáp Ngọ.

Lóc cóc xe ngựa dạo quanh hoàng thành, bất giác anh nghĩ đến hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” mà anh đã nghe từ thời còn cắp sách đến trường, và thầm so sánh: Vẫn là khung cảnh đền đài, lối cũ, rêu phong; khác chăng chỉ là lối xưa giờ đã phong quang, di tích Huế ngày càng được trùng tu, để trở lại vẻ rạng rỡ xưa.

Dưới triều Nguyễn, ngồi xe ngựa trong Hoàng thành Huế là phương tiện chỉ dành riêng cho nhà vua, hoàng hậu, hoàng gia hoặc quan nhất phẩm, nhị phẩm được ủy thác mệnh vua; loại xe thượng hạng này có bốn con ngựa kéo (tứ mã), được chế tạo vào cuối triều vua Gia Long (1802-1820), đầu triều vua Minh Mạng (1820-1841). Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, tiếng lóc cóc của vó ngựa một thời trong hoàng thành Huế đã đi vào quên lãng. Có lẽ vậy, nên khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đầu tư, tái hiện lại hình ảnh xe ngựa nhân dịp Festival Huế 2010 để phục vụ khách du lịch, thì tất cả chuyện ngày xưa như chợt tràn về dưới từng cung điện, góc thành rêu phong của Cố đô xưa, được khách du lịch đón nhận một cách hết sức thích thú.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giải thích, việc đưa xe ngựa vào trong các hoạt động du lịch, được người dân xứ Huế ủng hộ, vì nó đã góp phần đáp ứng được nhu cầu của du khách, phù hợp với khung cảnh đền đài, lối cũ, rêu phong. Đây là một hoạt động mang tính quảng bá, giới thiệu để du khách hiểu hơn những giá trị di sản mà Huế đang nắm giữ.

Chính vì vậy, từ chỗ chỉ khai thác giá trị hệ thống di tích từ nguồn bán vé tham quan di tích, trong các năm gần đây doanh thu từ dịch vụ tại di tích Huế đạt khoảng 61,5 tỉ đồng, chiếm 7% so với nguồn thu vé tham quan. Tỉ lệ này còn nâng cao hơn nữa, khoảng từ 10% trở lên trong các năm tiếp theo, trên cơ sở khai thác tốt các dịch vụ trong di tích. Đặc biệt là thiếu các hoạt động dịch vụ bán hàng lưu niệm và các hoạt động đặc trưng vào buổi tối, để tăng số ngày lưu trú bình quân của khách tại Huế.

Đối với công cuộc trùng tu di tích Huế, Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết: Trong năm 2013, có 13 công trình di tích được thi công tu bổ; trong đó có 6 công trình chuyển tiếp là: Thái Bình Lâu; Điện Thọ Ninh - Cung Diên Thọ; lăng Đồng Khánh; Trường lang và bảo vệ hệ thống nền móng cung điện Tử Cấm Thành; Tả Tùng Tự - lăng Minh Mạng; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực bảo vệ lăng Minh Mạng.

11 công trình khởi công mới gồm: Ngọ Môn; Đông Khuyết Đài - Đại Nội; Tả và Hữu Tùng Viện - lăng Thiệu Trị; Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn - lăng Tự Đức; Tả Trà - Cung Diên Thọ; Dực Lang 02B - Đại Nội Huế; lăng Thiên Thọ Hữu - lăng vua Gia Long, Quan Tượng Đài thuộc dự án Kinh Thành; Miếu Long Thuyền; khắc phục sự cố Nhà hát Duyệt Thị Đường và hệ thống điện chiếu sáng cửa Hiển Nhơn. Các công trình phục vụ cho phát triển du lịch dịch vụ, tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa Huế gồm: Nhà dịch vụ lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức; nhà thông tin - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy di sản Huế ngày càng thu hút sự ủng hộ của cộng đồng trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả. Trong đó, các nghệ nhân làng Bát Tràng (Hà Nội) hiến tặng nhiều hiện vật phục vụ trang trí tại các điểm di tích; các nhà sưu tập cổ vật hiến tặng nhiều cổ vật, tham gia phối hợp tổ chức trưng bày; Ngân hàng Sacombank tài trợ in vé tham quan cho di tích Huế, Ngân hàng Vietinbank tài trợ phục chế bộ Biên chung - Nhạc khí Nhã nhạc Cung đình Huế... Đáng chú ý, Biên chung, Biên khánh là hai nhạc khí gồm nhiều chiếc chuông đồng, khánh đá được sắp xếp theo một thứ tự âm thanh nhất định. Đây là hai nhạc cụ cung đình độc đáo trong Nhã nhạc của một số nước Đông Á, trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam.

Ở Việt Nam , hai nhạc cụ này được dùng trong Nhã nhạc thời Lê (1427 - 1788) và thời Nguyễn (1802 - 1945). Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, những bộ nhạc cụ nghi lễ quan trọng này của Nhã nhạc hầu như đã thất truyền cả về hình thức chế tác lẫn cách thức trình diễn. Ngày nay, những chuông đồng, khánh đá này chỉ còn được lưu giữ như những hiện vật bảo tàng, không đầy đủ về số lượng và chất lượng. Để phục chế bộ nhạc cụ này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hàn Quốc nghiên cứu và chế tác tại Phường Đúc (TP.Huế), dựa trên nguyên liệu truyền thống của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, năm 2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục thực hiện 3 đợt kích cầu "Tuần lễ vàng" vào tháng 3, tháng 9 và tháng 12, nhằm tăng thêm sức hút du khách đến với Huế. Trung tâm tiếp tục tập trung thực hiện Đề án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; củng cố bộ máy tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế, nhằm đem lại nguồn thu tích cực phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phấn đấu trong năm 2014, thu từ vé tham quan di tích đạt 130 tỷ đồng, thu từ các hoạt động dịch vụ tại di tích đạt 15 tỷ đồng...

Quốc Việt
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm