Đức Trí: “Tuổi 40 không còn gì phải vội!”

24/09/2012 08:02 GMT+7 | Văn hoá


Khác với cái bề nổi của tuổi 30, Đức Trí (một hit-maker trong nền nhạc nhẹ hiện nay) dường như lặng lẽ, âm thầm hơn về con người cũng như công việc khi chuẩn bị bước vào đầu bốn.

Đức Trí của quá khứ

Đã chọn hai chữ “âm nhạc”, dù cuộc sống có nhiều biến chuyển nhưng từ xưa đến giờ tôi chưa bao giờ làm việc gì khác ngoài âm nhạc, thậm chí có lúc tôi còn nghĩ: Chừng nữa về già không làm nhạc nổi thì mình mở shop bán nhạc cụ! Với tôi, làm nhạc không phải để kiếm tiền mà để “sống” được với nó. Làm nghề là việc ưu tiên hàng đầu, sau đó mới tới việc cái nghề nuôi sống mình chứ tôi không chọn nghệ thuật để mưu sinh. Tôi thấy nhiều người nghĩ ngược lại thì ảnh hưởng đến sản phẩm của chính họ nhiều lắm.

Nếu bạn chọn mưu sinh trước, nó sẽ quay lưng lại giết chết cái nghề. Còn chuyện có giàu bằng nghề này hay không thì còn do may mắn nữa. Điểm mấu chốt ở đây là nhiều người nhận thấy được như thế nhưng không phải ai cũng thắng. Mười mấy tuổi tôi “mơ” mình biết chơi nhạc. Hai mươi nghĩ làm sao để hoàn thiện kỹ năng; hoàn thiện mình để chứng minh với mọi người rằng Đức Trí có thể chơi nhạc tốt. Ba mươi, không chỉ chơi nhạc cho mình, mà tôi muốn chơi cùng bạn bè, đưa âm nhạc đến nhiều người. Công việc chính của tôi lúc ấy là sản xuất, manager… Đó cũng là thời gian tốt nhất mà một người đàn ông thèm có: những bản hit, tiền, địa vị, những mối tình…

 

Và ở thì hiện tại

Bây giờ, tôi thấy mình đang sống chậm đi nhiều, trầm tĩnh hơn và hạnh phúc hơn. Tôi rất thích một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Nắng vàng, em đi đâu mà vội!”, cứ từ từ… Bước vào tuổi bốn mươi, “cảm giác” của tôi về âm nhạc bắt đầu khác. Qua rồi cái giai đoạn mà người ta cần biết đến tên mình. Tôi muốn để lại điều gì đó về giáo dục âm nhạc. Tôi dành thời gian cho việc nghiên cứu, viết giáo trình, phổ cập nền tảng… xây dựng trường nhạc nhẹ MPU cùng vài người bạn, mục đích chính của chúng tôi bên cạnh chương trình giảng dạy âm nhạc dành cho thiếu nhi, còn mở rộng phạm vi đào tạo trở thành trường nhạc nhẹ đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình giảng dạy nhạc nhẹ đương đại trên thế giới vào việc đào tạo chuyên sâu các đối tượng muốn bước vào hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, theo hai phần biểu diễn và sản xuất âm nhạc.

Tuổi tác, điều kiện sống, suy nghĩ… làm con người ta thay đổi ở mỗi thời kỳ. Nhiều người vẫn cho là tôi kiếm tiền nhiều ở giai đoạn mới đi du học về (năm 31 tuổi) nhưng không, chính cái thuở đôi mươi làm nhạc công tôi mới thực sự làm ra nhiều tiền, còn hơn cả sản xuất âm nhạc sau này. Âm nhạc Đức Trí khi bước vào đầu bốn thì dành cho riêng bản thân tôi hơn là cho mọi người.

Có đôi khi giật mình, ngoảnh lại thấy chưa làm được một album nào cho riêng mình cả. Cũng đã đến lúc làm một điều gì đó cho bản thân rồi. Những 30 năm dành cho công việc là quá nhiều, nó thực sự mang tính “công việc” nhiều hơn là sự sáng tạo. Vài người bạn hỏi tôi “Có phải khi lấy vợ, sinh con thì sự thay đổi đó ảnh hưởng đến cách nghĩ về âm nhạc của Đức Trí hay không?” thì tôi trả lời rằng: Không, dù cho cuộc sống có thay đổi ở bất kỳ trạng thái nào. Với tôi, đó là sự thay đổi theo lứa tuổi, thời gian chứ không phải gia đình hay tác nhân.

Nghệ sĩ luôn nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Lúc nào họ cũng luôn canh cánh chuyện thoát khỏi sự ràng buộc, lặp lại; thoát khỏi những nguyên tắc, áp đặt. Những cái gì ràng buộc về mặt vật lý chỉ là sự tương đối. Tuy nhiên, rất nhiều các sáng tác vĩ đại, nổi tiếng trên thế giới đều do các nghệ sĩ ổn định về gia đình viết nên chứ không phải lúc trẻ trung và nhiều biến động. Thực tế cho thấy sự trưởng thành giúp con người ta ổn định về mọi mặt. Ở tuổi 40, tôi cho phép mình ổn định về mọi mặt và mong chờ thời gian đẹp nhất trong tương lai gần.

Thời gian làm việc trong một ngày của tôi bây giờ thường vào đầu giờ chiều cho đến tối. Dù tôi dậy sớm lắm nhưng tôi thích làm nhiều việc khác hơn như uống café, ở nhà chơi với con, lên mạng đọc báo, cập nhật tin tức xã hội, đọc một quyển sách… Nói chung thời gian làm và nghỉ của tôi là gần bằng nhau, khác nhiều so với ngày xưa. Với những người làm việc tay chân thì họ có thể làm 4 tiếng nghỉ chỉ 15 phút chứ làm bằng “đầu óc” như nghệ sĩ chúng tôi thì có khi làm 2 giờ nghỉ giải lao mất 1 tiếng rồi. Người ta gọi tôi là nhạc sĩ… lười cũng vì vậy, nhưng tôi thấy mình chẳng có gì phải vội, vào tuổi này rồi, vội vàng không đem lại lợi ích.

Theo TT&VH Đàn ông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm