14/06/2021 15:00 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Tìm hiểu văn hóa công ty sắp ứng tuyển là một trong những việc cần thiết mà ứng viên nên thực hiện. Hiểu được văn hóa công ty, ứng viên sẽ biết được đây có phải là môi trường phù hợp để bản thân làm việc và phát triển sự nghiệp hay không.
Dưới đây là 4 cách giúp bạn tìm hiểu văn hóa của công ty sắp ứng tuyển một cách dễ dàng và nhanh chóng, hãy cùng tham khảo nhé!
Tận dụng nguồn tin trên internet
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, internet được xem là kho thông tin đồ sộ nơi bạn có thể dễ dàng tra cứu mọi thứ.
Ứng viên có thể truy cập vào trang web chính thức của công ty để tìm hiểu về lĩnh vực hoạt động, chiến lược phát triển cũng như văn hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn còn có thể vào các trang mạng tuyển dụng, các địa chỉ chuyên đánh giá công ty hoặc diễn đàn nghề nghiệp để để kiểm tra xem công ty sắp ứng tuyển đang ở vị trí nào, có nhận được nhiều phản hồi tích cực hay không.
Khai thác thông tin từ người quen
Nếu bạn may mắn quen biết người đã hoặc đang làm việc trong công ty sắp ứng tuyển thì hãy cố gắng khai thác thật nhiều thông tin từ họ. Nguồn tin từ nội bộ bao giờ cũng đáng tin cậy hơn cả internet. Mặt khác, nguồn tin từ những đối tác từng thực hiện dự án ngắn hạn với công ty hoặc từ công ty đối thủ cũng đáng để bạn quan tâm.
Lưu ý rằng thay vì chỉ hỏi chung chung là văn hóa công ty như thế nào, môi trường làm việc có tốt không thì hãy hỏi họ những câu cụ thể như: Liệu tôi có nên làm việc ở đây không? Văn hóa của công ty có những ưu điểm và nhược điểm gì? Công ty có thể giúp tôi phát triển được không? Qua đó, bạn sẽ hình dung rõ hơn về văn hóa công ty sắp ứng tuyển và nhận được những lời khuyên hữu ích.
Tìm hiểu về văn hóa công ty trong lúc chờ phỏng vấn
Ít người biết được thời gian chờ đợi trước khi được gọi vào phỏng vấn là “cơ hội vàng” để tìm hiểu sơ bộ về văn hóa công ty. Các chuyên gia khuyên rằng ứng viên nên đến công ty ít nhất 10 -15 phút trước giờ phỏng vấn.
Một mặt việc này giúp bạn có thời gian trống để ứng phó với các rủi ro trên đường đến phỏng vấn như ùn tắc giao thông, hỏng xe hay sự cố trang phục… Mặt khác, trong thời gian đợi chờ đến lượt phỏng vấn, bạn còn có thể tranh thủ quan xét tình hình xung quanh nhằm đánh giá về văn hóa công ty.
Hãy để ý đến trang phục đi làm của các nhân viên, cách họ chào hỏi và giao tiếp với nhau, cách họ đối thoại với nhau, biểu cảm trên gương mặt họ, cách họ làm việc (độc lập hay theo nhóm), các câu slogan (biểu ngữ) trên tường… Chỉ cần qua một vài chi tiết nhỏ, bạn sẽ nhận định được phần nào văn hóa công ty. Từ đó bạn sẽ biết được mình có phù hợp với nơi này hay không.
Tìm hiểu về văn hóa công ty qua trao đổi với nhà tuyển dụng
Một cách khác để ứng viên tìm hiểu văn hóa công ty chính là trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, ứng viên nên đặt câu hỏi một cách khéo léo để vừa khai thác được thông tin từ nhà tuyển dụng vừa không làm cho họ phật lòng.
Thay vì hỏi “Công ty có cho phép nhân viên làm việc tại nhà không?”, hãy hỏi: “Có nhân viên nào trong công ty được phép làm việc tại nhà không?”
Thay vì hỏi “Công ty có cho phép nhân viên thay đổi vị trí công việc không?”, hãy hỏi: “Có nhân viên nào trong công ty từ vai trò này kiêm nhiệm thêm hoặc chuyển sang vai trò khác không?”
Thay vì hỏi “Công ty có bắt buộc nhân viên làm việc theo nhóm không?”, hãy hỏi: “Công ty ưu tiên khuyến khích làm việc theo nhóm hay làm việc độc lập hơn?”.
Thay vì hỏi “Yêu cầu cao nhất của công ty ở vị trí này là gì?”, hãy hỏi: “Công ty kỳ vọng điều gì nhất ở nhân viên làm tại vị trí này?”.…
Đa số công ty đều hoạt động theo xu hướng mở, nghĩa là luôn linh hoạt trong môi trường làm việc và khuyến khích nhân viên phát huy tối đa tiềm năng sẵn có. Do vậy, việc đặt các câu hỏi thông minh, linh hoạt giúp bạn tìm hiểu các khía cạnh đa sắc của công ty hơn. Thông qua những câu hỏi trên, ứng viên không chỉ tìm hiểu được văn hóa công ty mà còn khéo léo thể hiện bạn đang rất quan tâm đến vị trí này và muốn cống hiến hết mình cho nó.
Mong rằng với 4 cách tìm hiểu về văn hóa công ty sắp ứng tuyển đã được chia sẻ ở trên, bạn đọc sẽ rút ra được những kinh nghiệm bổ ích trong quá trình tiếp cận việc làm của mình. Qua đó, bạn sẽ có thêm nhiều cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng có nên vào làm ở công ty đó hay không.
Pha Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất