Ông Thuận Hữu đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

09/08/2015 11:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) – Hôm nay (9/8), Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam bước vào phiên họp chính thức và cũng là ngày họp cuối cùng sau 3 ngày họp (7-9/8/2015).

Phiên họp chính thức được tổ chức tại Cung Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội), với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng hơn 500 đại biểu trên toàn quốc.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư chỉ rõ: 90 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy: Những năm gần đây, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo... đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa và kỹ thuật - nghiệp vụ của báo chí ngày càng được cải thiện. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh, mặt bằng trình độ được nâng cao. Nhận thức và đòi hỏi cao của công chúng đối với báo chí vừa đặt ra yêu cầu và thách thức mới, vừa tạo ra động lực mới cho báo chí phát triển. Nguồn lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống báo chí ngày càng được cải thiện rõ rệt... Số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ anh chị em làm báo đến nay tăng nhiều lần so với những năm đầu đổi mới.

Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện và cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào; kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực phản động, thù địch, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới.

Bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí cũng còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm; còn có những biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích; còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc; chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức; tuyên truyền thiếu hấp dẫn, chưa làm chủ được thông tin. Còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí còn có trường hợp chưa nghiêm; chưa có những chế tài thích đáng, đủ mạnh để răn đe, khắc phục. Hoạt động của Hội Nhà báo ở một số nơi vẫn còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí và Hội Nhà báo nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình.


Ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân dân tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Tổng Bí thư mong muốn anh chị em làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí; Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân.

Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận...; kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội; đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin. Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hoá tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.

Tại Đại hội, ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân đã được bầu là tân Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ông Thuận Hữu là người nhận được số phiếu bầu cao nhất với tỉ lệ 93,43% khi Đại hội bầu Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ban chấp hành mới đã bầu ra 11 nhà báo vào Ban thường vụ.

Sau 3 ngày họp, Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã nghiêm túc đánh giá hoạt động của Hội trong 5 năm qua (2010 - 2015), thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong hoạt động báo chí, và đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn mới.

Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Thuận Hữu nhấn mạnh sự phát triển của báo chí Việt Nam thời kỳ mới, không chỉ ở số lượng người tham gia làm báo tăng, mà còn xuất hiện các mô hình truyền thông đa phương tiện, sự tương tác của báo chí với mạng xã hội...

“Hơn lúc nào hết các nhà báo phải thể hiện bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức cách mạng trong thời kỳ toàn cầu hóa thông tin. Các cơ quan báo chí cần đổi mới mô hình làm báo và đầu tư hiện đại hóa phương tiện làm báo theo kịp xu thế phát triển của báo chí thế giới và khu vực. Đồng thời phải thay đổi cơ chế, chính sách báo chí để nhà báo và các cơ quan báo chí hoạt động tốt nhất phục vụ lợi ích của nhà nước và nhân dân, để công chúng có thể tham gia và giám sát hoạt động báo chí”, ông Thuận Hữu phát biểu.

Linh Lan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm