Đội tuyển New Zealand: Nơi bóng đá là niềm vui tinh khôi

20/06/2010 11:23 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) -  Nếu không kể tới CHDCND Triều Tiên đang ẩn chứa nhiều bí mật chưa thể khai phá, thì New Zealand có lẽ là đội tuyển duy nhất dự World Cup 2010 với đội hình có cả những cầu thủ nghiệp dư.

Những ngày World Cup nóng bỏng giữa mùa đông Nam Phi này, khi nói đến cái tên Jong Tae-se, người ta nhớ ngay đến chàng tiền đạo “mít ướt” đáng yêu của đội tuyển CHDCND Triều Tiên. Còn Ryan Nelsen? Trong 10 người, số có thể nói rõ được anh là ai chắc không nhiều hơn 2, ngay cả khi cầu thủ nổi tiếng nhất (và duy nhất) của đội tuyển New Zealand này đã khá quen mặt trong màu áo CLB Blackburn Rovers ở giải ngoại hạng Anh. Điều đó cũng có nghĩa là hiện bóng đá Triều Tiên còn được biết đến nhiều hơn so với bóng đá New Zealand, quốc gia nằm tít xa ngoài khơi Thái Bình Dương.


Với New Zealand, bóng đá vẫn còn là môn thể thao mới mẻ, Ảnh Reuters
Ngoài Nelsen, New Zealand còn có một số tuyển thủ kém danh tiếng khoác áo vài đội hạng dưới của bóng đá Anh, nhưng cũng có hai cầu thủ nghiệp dư được góp mặt. Với họ, World Cup không khác gì một kỳ nghỉ hè đầy cảm giác lạ. Thủ môn dự bị James Bannatype, 34 tuổi, là một đại diện “cứng” của hãng Puma ở New Zealand. Anh đến Nam Phi với giấc mơ được đổi áo với thủ thành số 1 thế giới Buffon (cũng mặc áo Puma), nhưng giấc mơ ấy không thể thành sự thực vì anh là thủ môn số 3, còn Buffon cũng chẳng thể ra sân do chấn thương. Đồng đội của anh ở đội bóng nghiệp dư Team Wellington, Andy Barron, 29 tuổi, thì là một nhân viên của ngân hàng Westpac Bank. Với họ, chơi bóng chỉ để thỏa mãn thú vui.

Nhưng họ cũng như Nelsen, đều là thành viên của “All Whites” – tất cả màu trắng, biệt danh chính thức của ĐT New Zealand. Biệt danh ấy mô tả trang phục truyền thống trắng từ đầu đến chân của các tuyển thủ, nhưng đồng thời cũng nói thay hiện trạng của New Zealand. Nhờ đó, người ta có thể phân biệt rạch ròi đội tuyển bóng đá với đội tuyển rugby (bóng bầu dục) vô cùng nổi tiếng của đất nước này, “All Blacks” – tất cả màu đen. New Zealand trong môn rugby được ví như Brazil của môn bóng đá, nhưng bóng đá New Zealand thì vẫn “tinh khôi” như tờ giấy mới.

Nói đúng ra, với những con người như Bannatype và Barron, New Zealand chỉ coi bóng đá là niềm vui thuần khiết nhất theo ý nghĩa nguyên thủy của túc cầu giáo. Họ đá bóng, họ đến World Cup, họ gặp các đội bóng mạnh nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ đặt ra một mục tiêu. New Zealand dành vé đến Nam Phi có phải phần lớn vì Australia bỗng bưng bỏ sang AFC hay không, thầy trò ông Herbert chẳng cần biết. Họ cũng không nói trước sẽ giành được gì trên đất Nam Phi. Khi đã là đối thủ, đương kim vô địch Italia cũng không khác gì Slovakia cả. Không nhiều lời, chẳng lên gân, các cầu thủ New Zealand trân trọng mỗi lần hát quốc ca, luôn tự tin và nỗ lực hết mình. Chỉ thế.

Người New Zealand chưa say mê bóng đá. Với họ, rugby là cuộc sống, còn bóng đá chỉ là sự tò mò của những người yêu… rugby. Ở đấy, cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất không phải Nelsen, mà là hậu vệ Tony Lochhead, bạn trai của người đẹp Samantha Powell, cựu hoa hậu hoàn vũ New Zealand. Trang Facebook của “All Whites” chỉ có 50.000 fan hâm mộ, quá ít so với hơn 500.000 của “All Blacks”, nhưng trong trang “All Whites có thể thắng Italia” vừa được lập sau hôm hòa Slovakia, mới chỉ có vẻn vẹn 80 người nhập hội.

Song tất cả những điều ấy nào có ý nghĩa gì với Nelsen, Reid, Lochhead và các đồng đội, bởi dù thế nào, họ cũng sẽ bước ra sân Mbombela tối nay với sắc trắng quen thuộc, với niềm tự hào New Zealand, với niềm vui bóng đá và khát khao thể hiện mình.

B.V

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm