29/11/2023 13:28 GMT+7 | Văn hóa soi đường
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ngày 29/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Dự Hội nghị- Hội thảo có ông Phạm Gia Túc - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, các thanh đồng, những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong giữ gìn di sản
Phát biểu khai mạc Hội nghị- Hội thảo, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết: Trong những năm qua, dưới sự Lãnh đạo của Đảng, cùng nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp và toàn xã hội, các di sản văn hóa Việt Nam lần lượt được nhận diện giá trị, tiến hành các biện pháp phù hợp để bảo vệ và phát huy giá trị, đã góp phần quan trọng trong việc duy trì, kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội và con người Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, cho tới nay, sau 20 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tính đến nay, Việt Nam đã có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú", trong đó có 131 Nghệ nhân Nhân dân và 1.750 Nghệ nhân Ưu tú. Hoạt động kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã và đang giúp cho các nhà quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa nhận diện rõ hơn về di sản để từ đó xây dựng các kế hoạch, chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể góp phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa của quốc gia và đa dạng văn hóa của nhân loại; góp phần định hình hoạt động quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác di sản văn hóa ở các cấp; góp phần quan trọng vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên bản sắc, thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người. Ngoài ra, các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành, sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.
"Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá…"- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thu Hiền đề nghị các nghệ nhân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố có di sản, các nhà nghiên cứu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản và theo tinh thần Công ước 2003 nói chung và di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh đối với những vấn đề liên quan đến thực hành di sản và cộng đồng chủ thể thực hành di sản, thu hút sự tham gia của nghệ nhân, cộng đồng chủ thể di sản cùng chung tay, đoàn kết và gắn bó trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đúng theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO và ở các giai đoạn tiếp theo.
Gìn giữ giá trị nguyên bản của di sản
Theo đại diện TP Hồ Chí Minh, cùng với quá trình di dân và tiếp biến văn hóa, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã theo chân của những cư dân miền Bắc lan tỏa vào Thành phố Hồ Chí Minh và đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống của một bộ phận người dân tại Thành phố. Thực hiện Chương trình hành động quốc gia và Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho người dân thực hành tín ngưỡng và thực hành di sản của cộng đồng, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra để phát huy những truyền thống tốt đẹp gắn với của di sản và tránh làm sai lệch di sản.
"Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá…"- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng khẳng định: Với nỗ lực không ngừng, trách nhiệm và tình yêu của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản, chính quyền các cấp và xã hội đối với di sản văn hóa phi vật thể; thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, các nghệ nhân đã chia sẻ những vấn đề tồn tại trong thực hành di sản đặc biệt là việc thực hành và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.
Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng (Hà Nội): Từ khi di sản này được ghi danh, thì hiện tượng biến tướng của thực hành nghi lễ hầu đồng đã diễn ra rất phổ biến ở nhiều địa phương.
Một hiện tượng tiêu cực khác, là cũng từ khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được ghi danh, rất nhiều tổ chức phi chính phủ như các trung tâm, viện, hội, chi hội, câu lạc bộ… lấy danh nghĩa là tổ chức bảo tồn phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu để mang khăn áo, trang phục, các điệu múa thiêng về thần thánh của tín ngưỡng này ra biểu diễn, dưới dạng "liên hoan" hay "festival".
Những ý kiến tại Hội thảo sẽ được Bộ VHTTDL tập hợp, ghi nhận nhằm xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới để tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO (giai đoạn 2023-2028).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất