Ngoại lực ở V.League

02/09/2016 06:04 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - 16 năm tiến lên chuyên nghiệp, việc thuê mướn trọng tài (TT) ngoại điều khiển các lượt trận cuối V-League 2016, là biểu hiện của sự giật gấu vá vai.

Từ con người…

Giải vô địch quốc gia (VĐQG) bắt đầu mang tên V-League, kể từ mùa giải kiểu “xen canh gối vụ” 2000 – 2001. Cha đẻ của đề án bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là ông Phạm Ngọc Viễn, đương kim phó chủ tịch HĐQT Cty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF – đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam). Tất nhiên, ông Viễn phải là người am tường nhất, có điều, không phải lúc nào ông cũng làm (và được làm) đúng với chức năng, thậm chí còn bị loại bỏ.

Kể từ khi phôi thai, thành hình và suốt chục năm sau đó tại giải đấu số 1 Việt Nam, một CLB ở V-League được đăng ký 5 ngoại binh, sử dụng tối đa 3 vị trí chính thức. Sự thật là, các cầu thủ người nước ngoài đã góp công rất lớn trong việc nâng tầm – quảng bá hình ảnh giải đấu. Chơi với Tây, cầu thủ Việt Nam cũng tiến bộ nhiều về chuyên môn. Dù ngân sách các CLB phải dành phần lớn để nuôi ngoại binh (và chảy ra nước ngoài) nhưng đấy cũng là điều bình thường.

Trên thực tế, trước khi V-League ra đời cùng sự xuất hiện của đại quân “lính lê dương” nhiều thế hệ, bóng đá Việt Nam đã nhiều năm bắt tay với các chuyên gia ngoại quốc, trong việc chăm sóc các ĐTQG. Sau 20 năm, trên dưới 10 ông thầy ngoại từng đến Việt Nam cầm các ĐTQG, một vài trong số này được sử dụng hơn 1 nhiệm kỳ. Việc bung két thuê và sử dụng chất xám của người nước ngoài, là giải pháp tối ưu, với một địa hạt đặc thù như bóng đá Việt Nam vốn dĩ chưa thể tự cường.


Trọng tài người Malaysia năm nay mới 26 tuổi là một viện binh cho các trọng tài ở V-League.Ảnh: Thanh Hà

Từ đăng ký 5, dùng 3; đến đăng ký 3, dùng 2 và ngay lúc này là đăng ký 2 dùng 2 với các đội bóng ở V-League, còn giải hạng Nhất chỉ ưu tiên một suất ngoại binh nhập tịch…, về lý thuyết, có thể tạo cơ hội ra sân cho các cầu thủ trẻ, nhưng trên thực tế, nó thực sự là một bước thụt lùi trong việc đảm bảo chất lượng giải đấu, cũng như đảm bảo tính cạnh tranh cho các CLB Việt Nam thi thố ở AFC Champions League và AFC Cup. Các ngoại binh chất lượng cũng dần rời bỏ dải đất hình chữ S.

Nguồn ngoại lực, cơ bản là mang đến những giá trị thật, nhưng sau 16 năm, V-League vẫn chưa thể mang một bộ mặt khác thì người sử dụng lao động phải có vấn đề. Từ quyết định hạn chế suất đăng ký ngoại binh, thuê TT ngoại, vốn thiếu hiệu quả, thì việc tổ chức các chuyến du học, cũng có thể chỉ để “đốt tiền”.

… Đến công thức ngoại

Nhật Bản với J-League 1 được biết đến như giải đấu số 1 châu Á là địa chị đỏ mà những nhà tổ chức VPF hướng đến. Không thể cải tạo giống nòi bằng cách “lai tạo”, thì cũng học hỏi ít nhiều kinh nghiệm, mô hình và đặc biệt, đạt được các gói “ODA bóng đá”. Chuyến đi đầu tiên đến xứ sở mặt trời mọc cách đây 2 năm, tưởng như rất thành công, thì chỉ một năm sau đó, chúng ta chuyển hướng qua Hàn Quốc, qua K-League. Năm nay, đoàn công tác sẽ qua Đức và vài nước châu Âu.

J-League 1, K-League hay Bundesliga…, đều là những giải bóng đá hàng đầu về mặt chất lượng, hình ảnh, cũng như các giá trị thương mại. Đi một ngày đàng học sàng khôn, tuy nhiên, để áp dụng hợp với đặc thù nền bóng đá là chuyện không đơn giản. Đó là chưa kể, mục đích của chuyến đi cũng có vấn đề, kiểu như giải quyết chế độ và đi chỉ để… giải ngố. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, chúng ta chạy nhiều nhưng chưa ra chiến thuật, chưa thể tìm được mô hình đạt chuẩn mà học hỏi là vì thế.

Ngoại binh Hải Phòng bật mí lý do khóc nấc

Ngoại binh Hải Phòng bật mí lý do khóc nấc

Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa, tiền đạo Andre Fagan cho thấy khát vọng chiến thắng và mong muốn được cống hiến cho Hải Phòng một cách mãnh liệt. Tiền đạo này cũng lý giải lý do rơi lệ sau trận hòa FLC Thanh Hóa.

Trong rất nhiều chuyến công tác, PV Thể thao & Văn hoá đã mục sở thị mô hình và các trận đấu ở Thai Premier League, giải đấu được cho là phiên bản của giải Ngoại hạng Anh Barclays Premier League, kể từ năm 2007. Cùng với J-League 1, K-League, Thai Premier League (đang được điều hành bởi một người… Singapore) vươn mình trở thành một trong những giải đấu hàng đầu châu Á, về sức hút, cũng như giá trị bản quyền truyền hình, nguồn thu chính của phần lớn các CLB.

Có câu, học thày không tày học bạn, tại sao chúng ta không thể qua Thái Lan mà học nhỉ, hà cớ phải đi xa đến trời Âu?! Về mặt nguyên liệu bóng đá, cũng như các vấn đề về kinh tài, thu hút nguồn lực…, chúng ta không thua Thái Lan, để ít nhất có thể tổ chức một giải đấu giàu tính cạnh tranh. Nhưng đặc thù cơ chế thực sự là rào cản và như đã nhắc, nền bóng đá và các giải đấu hàng đầu đang thiếu tư lệnh ngành có cả tâm, lẫn tầm. Mô hình tổ chức giải có ưu việt đến mấy, cũng bằng thừa.

Trong một diễn biến có liên quan khác, đấy là khâu đào tạo trẻ. Sau bao năm theo đuổi mô hình cũ, con người cũ và các chế độ dành cho VĐV trẻ cũng cũ, để nâng tầm chất lượng đào tạo, người ta buộc phải thay thầy và thay cả mô hình. Lò đào tạo trứ danh SLNA giỏi lắm cũng chỉ sản sinh ra Văn Quyến, Công Vinh…, như cáo chung cho công thức đào tạo cũ. Nhưng với Học viện HAGL Arsenal JMG, Viettel, PVF, Hà Nội T&T…, hiện tại, chúng ta có thể kỳ vọng, mà không đợi gặt lúa trời.

Đào tạo trẻ là khâu quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng một nền bóng đá tự cường, tuy nhiên, môi trường phát triển (chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp) sau đó, mới mang tính quyết định. Thế mới nói…

Tâm và tầm

Trong số rất nhiều những yếu tố cấu thành để làm nên một giải đấu hấp dẫn, tự cường, thì đội ngũ cầm cân nảy mực là thứ nguyên liệu có sẵn dôi dào. Nói như nhiều chuyên gia, TT Việt Nam không hề thua kém các đồng nghiệp người nước ngoài về năng lực cầm cờ và cầm còi, nhưng đạo đức nghề thực sự là vấn đề. Lịch sử giải đấu không hề thiếu những scandal dàn xếp tỷ số, chi phối và thao túng. Thuê TT ngoại giống như một hình phạt với họ, chứ không hẳn để nâng tầm giải đấu.

Rất nhiều những người nước ngoài từng đến Việt Nam hoạt động trong địa hạt bóng đá, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá Cuối tuần rằng, nền bóng đá cũng như các giải đấu hàng đầu, có đầy đủ tiềm lực phát triển, nhưng lại thiếu những con người làm bóng đá thực thụ, vì cái tâm và tình yêu nghề.

Nhận xét này có đúng không? Hẳn là mỗi người chúng ta đều có thể tự trả lời.  

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm