15/09/2023 06:01 GMT+7 | Bóng đá Việt
Phút 88 ở trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Australia, trong khuôn khổ giải U19 Đông Nam Á 2014, trong vòng vây của 5-6 cầu thủ đối phương, Công Phượng vẫn tự tin solo trước khi xé rách mành lưới U19 Australia bằng một bàn thắng rất đẹp mắt.
Nó còn hơn cả một bàn thắng, chính xác phải là siêu phẩm hay cực phẩm gì đó, đem lại chiến thắng cách biệt tối thiểu cho đội bóng nước chủ nhà ở trận ra quân. Những lời có cánh dành cho Công Phượng và đội tuyển U19 Việt Nam, với nòng cốt là lứa U19 Học viện HAGL Arsenal JMG vừa ra ràng.
Trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp ngót 10 năm qua (kể từ năm 2015), Phượng đã ghi không ít các bàn thắng trong màu áo CLB lẫn các ĐTQG, một vài trong số đó là những siêu phẩm. Nhưng, pha đột phá ghi bàn vào lưới U19 Australia ngày 5/9/2014 có lẽ là bàn thắng đẹp nhất và cũng là kỷ niệm khó quên nhất với chàng trai người Nghệ An.
Khán đài sân Mỹ Đình như muốn nổ tung buổi tối ngày hôm ấy, sau cực phẩm mà Công Phượng vẽ lên. Nó đẹp không kém "cầu vồng trong tuyết" của Quang Hải ở trận chung kết U23 châu Á với Uzbekistan ở Thường Châu 2018, dù tính chất trận đấu và giải đấu là không giống nhau.
Công Phượng (và lứa của anh cùng trưởng thành từ Học viện Hàm Rồng) từng được kỳ vọng rất lớn. Cùng với những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Thành Chung, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Đức Chiến, Hoàng Đức, Tiến Linh..., đây là thế hệ cầu thủ tài năng bậc nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh ra trong khoảng 20 năm đổ lại. Tài năng và thuần và không tai tiếng.
Thế nhưng, trong khi các đồng đội thăng hoa ở các cấp độ khác nhau, thì Công Phượng và đồng đội của anh ở Hàm Rồng lại chỉ tiến bộ rất cầm chừng. Họ dần đánh mất vị trí và vị thế trong màu áo các ĐTQG. Ở cấp CLB, những thông tin về cầu thủ HAGL trong 10 năm qua chỉ là các đợt họp báo xuất khẩu hoặc ký gửi cầu thủ ra nước ngoài. Và cho đến thời điểm này, chưa một "món hàng" nào của HAGL toả sáng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tham vọng xuất khẩu cầu thủ triệu đô của bầu Đức xem như cũng khép lại. Trong khi đó, tại hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, cũng đã 20 năm qua, HAGL chưa từng trở lại bục vinh quang.
Công Phượng đã có 55 trận đấu cho ĐTQG, ghi 12 bàn thắng và đó là bản "CV" không tệ với cầu thủ sinh năm 1995. Nhưng nếu suy xét một cách chi tiết, những đóng góp của tiền đạo này trong hàng loạt các chiến tích cũng như chiến dịch lớn của bóng đá Việt Nam suốt 10 năm qua là không đáng kể. Từ các SEA Games 2015, 2017, các VCK U23 châu Á, đến các kỳ AFF Cup, Asian Cup, ASIAD và Vòng loại FIFA World Cup..., cũng có thời điểm Phượng là kép chính, song đa phần là dự bị. Và vì thế, các danh hiệu, từ cá nhân đến tập thể, đều không nhắc tên cầu thủ gốc Nghệ An.
Đó là cảm giác không hề dễ chịu chút nào, với một cầu thủ được kỳ vọng lớn như Công Phượng. Đấy là chưa kể những ký ức buồn khác sau năm lần bảy lượt xuất ngoại. Hiện tại, Phượng vẫn chưa tìm được vị trí ở Yokohama FC tại J-League 1 nhưng...
Bàn thắng vào lưới Palestine để mở tỷ số cho đội tuyển Việt Nam ở trận giao hữu quốc tế mới đây trên sân Thiên Trường có thể cứu rỗi cho giấc mơ dang dở của Công Phượng. Đó là kết thúc của một pha di chuyển không bóng và phối hợp hoàn hảo, trong đó Phượng chính là đạo diễn và là diễn viên chính ở thước phim này, còn Hoàng Đức đơn giản chỉ làm điều cần làm: Chuyền bóng cho mục tiêu tốt nhất trong ít nhất 3 lựa chọn đưa ra trước mặt. Tất cả đều hoàn hảo, tinh tế.
10 năm tròn Phượng mới lại nở, các đời HLV và cả người hâm mộ như thế cũng là rất kiên nhẫn rồi. Cùng với Công Phượng, thì sự trở lại của Văn Toàn hay Tuấn Anh cũng là khá ấn tượng. "Hoa nở sớm nhanh tàn nhụy héo/Trái chín non không chát thì chua", nhưng tuổi 28 há chẳng phải độ tuổi đẹp và bắt đầu vào độ chín của sự nghiệp cầu thủ sao? Tiến lên nào Công Phượng!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất