“Không đâu chuẩn bị cho Olympic như VN”

01/08/2012 07:06 GMT+7 | Đoàn Olympic Việt Nam

(TT&VH)- Hơn 40 năm gắn bó với ngành thể thao, từng đảm trách cương vị Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao, trưởng đoàn thể thao VN tại các kỳ Olympic, Asian Games và SEA Games, ông Nguyễn Hồng Minh có cái nhìn rất bao quát, đánh giá chính xác về trình độ của thể thao VN, về những gì đang diễn ra tại Olympic London 2012.

* Olympic London mới chỉ diễn ra được vài ngày nhưng những niềm hy vọng huy chương của thể thao VN như Hà Thanh, Phước Hưng, Trần Lê Quốc Toàn rồi Tiến Minh đều lần lượt thất bại, ông đánh giá thế nào về kết quả thi đấu không được như mong muốn này?

- Nếu nói theo quan điểm của một nhà phân tích, quản lý thì kết quả đó phản ánh đúng quá trình chuẩn bị và trình độ của thể thao VN, tóm lại nó là như vậy.

* Thế nhưng trước khi Olympic London diễn ra, đây lại là những VĐV được nhận diện là có khả năng tranh chấp huy chương?

- Người ta đặt niềm tin vào họ là có cơ sở bởi lẽ với nhận thức của những người quản lý thể thao hiện tại người ta cho rằng khả năng chiến thắng lớn  nhưng như tôi đã từng có bài viết phân tích trên báo TT&VH, khả năng ấy là có nhưng rất khó khăn. Những người quản lý thể thao bây giờ tôi không muốn nói là họ không hiểu biết và có biết tôi cũng không được phép nói như thế.



Thất bại của TTVN tại Olympic London theo ông Nguyễn Hồng Minh đã phản ánh thực tế quá trình chuẩn bị. Ảnh: V.S.I

Nhưng với tư duy chủ quan, lãnh đạo ngành thể thao cho rằng như thế là có thể được. Anh Lâm Quang Thành (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trưởng đoàn thể thao VN dự Olympic London- PV) có phát biểu rằng ngành thể thao đã làm tất cả những gì có thể cho các VĐV dự Olympic, như thế là không đúng.

Nếu làm tất cả những gì có thể thì anh không để Phan Thị Hà Thanh 4 tháng không có thầy, anh không để Ngân Thương hay Nguyễn Thị Lụa không được chữa trị chấn thương hay không chuẩn bị sớm cho Trần Lê Quốc Toàn, các VĐV giỏi khác như Lê Huỳnh Châu đi đến những nơi tốt và không tập trung tiền của cho những VĐV xác định rõ sẽ giành huy chương Olympic, sẽ không để các VĐV được đầu tư chuẩn bị đi Olympic ăn, ở như điều kiện bình thường giống các VĐV khác, không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Như thế đâu phải là đã làm tất cả những gì có thể được.

Rõ ràng trong kế hoạch của thể thao VN từ đầu năm 2011 ngành thể thao đã không xác định đúng mục tiêu đó là giành huy chương Olympic mà chỉ tập trung giành các nhiều suất tham dự Olympic càng tốt. Xác định như thế và tổ chức để làm thế nào giành được nhiều chỉ tiêu đi vòng loại.

Theo tôi, nếu là một nhà quản lý và phân tích tỉnh táo thì anh phải nhận thức được Trương Thanh Hằng hay Vũ Thị Hương dù có qua vòng loại thì cũng không làm được gì ở môn điền kinh ấy cả.

Trong số 38 người thi nhảy cao nữ 5 người từ 2m trở lên, 18 người từ 1m95 đến 2m chỉ có vài ba người nhảy ở mức 1m92 như  Dương Thị Việt Anh như thế việc vượt qua tiêu chuẩn vòng loại thì chỉ lấy suất chứ không giải quyết được vấn đề gì ở đấu trường này. Thế nhưng Trần Lê Quốc Toàn lại giải quyết được vấn đề đó, hay như Phan Thị Hà Thanh đứng thứ 12 ở nội dung nhảy ngựa vào suất dự bị thứ 3 là tốt rồi.

Hà Minh Thành bắn giỏi hơn Hoàng Xuân Vinh, là một trong 6 người giỏi nhất ở nội dung đó, có lúc từng vượt qua thành tích Olympic Bắc Kinh… những người như thế sao không đầu tư ngay sau Olympic Bắc Kinh đi để họ giành huy chương. Đầu tư là gì, là ăn tốt hơn, tập tốt hơn, ở tốt hơn, mua dụng cụ tập luyện tốt hơn, thầy tốt hơn, có chế độ dinh dưỡng và y học, hồi phục tốt hơn.

Theo dõi kết quả thi đấu vừa qua tôi rất buồn và đau xót. Hơn 40 năm làm thể thao tôi biết rất nhiều người nhìn ra vấn đề nhưng không quyết tâm đầu tư. VĐV của ta có thể đạt được nhưng tiếc là ta không đầu tư, dốc hết sức ra để làm. Trần Lê Quốc Toàn chỉ có mấy tháng được đầu tư cao điểm sao năm 2010 không đầu tư đi.

Tại Hội nghị ngành thể thao tôi có nói không đâu chuẩn bị cho Olympic như ở Việt Nam cả, thậm chí chỉ nói đầu tư chứ không làm gì cả.  Năm 2011 hơn 1000 người chỉ đầu tư cho SEA Games suốt chứ có chọn ra ai để đầu tư đặc biệt cho Olympic đâu.

Nói chung, những thất bại đáng tiếc vừa qua phản ánh đúng cách làm quá trình chuẩn bị, từ đó phản ánh đúng trình độ thể thao VN thời điểm hiện tại. 4 tháng không thầy như Hà Thanh chuẩn bị Olympic gì, làm sao có hy vọng huy chương.

Hà Thanh từng nhảy lấy HCĐ năm 2011 sang Trung Quốc thua 2 cô Trung Quốc ngay, bây giờ lại cộng thêm VĐV 8 nước khác nữa thì thứ 12 là tốt lắm rồi. Một người chuẩn bị cho Olympic mà 4 tháng không có thầy thì thật lạ. Thế thì chuẩn bị Olympic gì, làm gì có hy vọng huy chương.



Trần Lê Quốc Toàn có thể thi đấu tốt hơn nữa nếu được đầu tư kỹ càng.

* Trong thất bại của Trần Lê Quốc Toàn, người ta nhắc đến nhiều đến giây phút xuất thần của VĐV CHDCND Triều Tiên Om Yun Cho. Theo ông, có phải BHL ĐT cử tạ VN thiếu thông tin về đối thủ?

- VĐV Triều Tiên này 21 tuổi, từng thi với Trần Lê Quốc Toàn và được có 261kg, ở CHDCND Triều Tiên cũng có một VĐV khác 271kg và người ta tập trung vào cậu đó. VĐV giành HCV lần này chính là quân bài bí mật của CHDCND Triều Tiên. Tôi nghĩ cậu ta đã đạt được thành tích cao trước đó rồi nhưng cứ im lặng thôi.

Thực lực họ có, có bài bản, cứ thế tiến lên thôi. Còn Trần Lê Quốc Toàn làm được 284kg tôi cho thế là đã giỏi rồi. Thôi thì hết Olympic này về phải đầu tư ngay 4 năm nữa Toàn có thể làm nên chuyện. Tôi chỉ sợ bây giờ về ai cũng nản chí, không đầu tư nữa. Đây là bài toán rất dài cho thể thao VN.

* Vẫn còn một số môn thi ở phía trước và thể thao VN vẫn đặt hy vọng huy chương, đặc biệt là taekwondo, ông có cùng chung suy nghĩ này?

- Nói để động viên là hy vọng có sự may mắn khi bốc thăm, rơi vào nhánh nhẹ để vào sâu. Lê Huỳnh Châu có kinh nghiệm ở hạng 63kg nhưng giờ ép cân xuống hạng 58kg gặp vô số đối thủ mạnh. Hy vọng bốc thăm may mắn vào nhánh nhẹ để có cơ hội vào sâu, thế thôi.

* Xin cảm ơn ông!

Lâm Chi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm